Cơ hội để công nghiệp bán dẫn Việt Nam cất cánh
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh CTV |
Gia tăng năng lực
Trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ vào tháng 9/2023, lãnh đạo Tập đoàn thiết kế chip Synopsys và đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Trong đó, Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), giúp nâng cao năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Synopsys sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Còn Cadence Design Systems và Intel - hai tập đoàn lớn của Mỹ và Đại học bang Arizona, cam kết giúp Việt Nam tăng năng lực thiết kế chip bán dẫn, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao. |
Thị trường vi mạch bán dẫn toàn cầu đang có sự chuyển dịch do tình hình biến động tại nhiều quốc gia và Việt Nam là một điểm đến của các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn quốc tế. Để tận dụng được lợi thế này, Việt Nam đang xây dựng và sớm có chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, gắn liền với ngành công nghiệp điện tử.
Hiện nay, ngoài Tập đoàn Intel, các tập đoàn đa quốc gia khác đổ vốn vào ngành bán dẫn Việt Nam còn có Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys và NXP Semiconductors. Đáng chú ý, kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) là minh chứng cho thấy, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia vào lĩnh vực thiết bị vi mạch, đóng gói, thử nghiệm như Qorvo, Synopsis, Marvel, Renesas, Intel, Amkor, Hana Microns... Các tập đoàn lớn này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm và các kiến thức chuyên sâu cho các đối tác nội địa trong sáng tạo sản phẩm Make in Vietnam. Việt Nam có một số doanh nghiệp cũng tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel. Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử phát triển nhanh nhất tại châu Âu, chuyên sâu vào công nghệ cao. Đến nay, các Nhà máy Cicor (Việt Nam) tại Bình Dương đạt đến mức độ sản xuất tầm thế giới, ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ.
Trao đổi với phóng viên về việc đầu tư, gia tăng năng lực phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng giám đốc Cicor Việt Nam cho biết, việc đầu tư nhà máy thứ 4 tại Bình Dương không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam mà còn phát triển thêm khả năng kỹ thuật, chuyên sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện, các sản phẩm nhựa để xuất khẩu với vốn đầu tư 5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Cicor tại Bình Dương lên 15 triệu USD. Tập đoàn Cicor đang tăng năng lực tại Việt Nam bằng cách thành lập một đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ nghiên cứu và phát triển tại trụ sở chính Bronschhofen (Thụy Sĩ) để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh chóng của khách hàng về việc phát triển các thiết bị điện tử chất lượng cao.
Tương tự, Tập đoàn Nitto Denko (Nhật Bản) cũng đã đầu tư mở rộng nhà máy tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch in dẻo, vật liệu điện tử chính xác, vật liệu điện, các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, các loại linh kiện quang học. Sau khi đầu tư giai đoạn 6, Nitto Denko nâng tổng số vốn đầu tư vào Bình Dương lên hơn 113 triệu USD.
Giải “cơn khát” nguồn nhân lực
Theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp bán dẫn vi mạch tại Việt Nam cơ hội rất nhiều, song để viết được tên mình trên bản đồ công nghiệp bán dẫn vi mạch thế giới như khát vọng, Việt Nam còn phải vượt qua những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Theo ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: nhà cung cấp nội địa, công ty thiết kế sản phẩm, cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi trong phát triển sản phẩm... Cùng với đó, lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào, nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA), con số thống kê cho thấy, cộng đồng vi mạch Việt Nam cả nước hiện có trên 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, trong đó TPHCM có hơn 30 công ty, và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt ở TPHCM, ngày càng tăng dẫn đến thị trường cần nguồn cung nhân lực khá lớn.
Báo cáo của Công ty Technavio cho thấy, thị trường bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Thế nhưng, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn. Số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cách tiếp cận phù hợp và thực tế nhất với Việt Nam hiện nay là phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu. Với những lợi thế hiện nay, điều kiện hạ tầng sẵn sàng, khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu sẽ thu hút được nhiều “đại bàng ‘công nghệ’ hạ cánh”.
Để giải quyết “cơn khát” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT và Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); xây dựng, phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 trung tâm đặt tại Hà Nội, TPHCM và TP Đà Nẵng phù hợp với thế mạnh và đặc thù từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam. Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết giao Chính phủ xây dựng nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó, dự kiến sẽ có những hỗ trợ thoả đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được bảo đảm sẵn sàng. Hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn. PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Giải quyết các thách thức trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia TPHCM nói riêng, cần giải quyết 5 thách thức quan trọng. Đó là thu hút sinh viên giỏi; xây dựng chương trình đào tạo mới; phát triển đội ngũ giảng viên; đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm và hợp tác R&D (nghiên cứu và phát triển) giữa các doanh nghiệp và đại học. Để vượt qua 5 thách thức trên, Đại học Quốc gia TPHCM và Synopsys đã trao đổi và xác định cùng triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, Synopsys chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của Đại học Quốc gia TPHCM. Điều này giúp giải quyết thách thức về chương trình đào tạo và công cụ thực hành. Cùng với đó, Synopsys tiếp nhận sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đến thực tập và giới thiệu cơ hội việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia TPHCM với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này giúp giải quyết thách thức về chỗ thực tập thực tế, cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Synopsys cũng sẽ hỗ trợ Đại học Quốc gia TPHCM bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn “Train-the-Trainer”. Theo đó, giảng viên của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ làm việc tại Synopsys trong thời gian 4 tháng để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn. Đại học Quốc gia TPHCM đã cử 3 giảng viên tham gia khóa đầu tiên. Điều này giúp giải quyết thách thức về đội ngũ giảng viên, nhất là trong bối cảnh khó hút, giữ chân các chuyên gia giỏi. GS-TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch Danh dự Hội công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM: Việt Nam đang có lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch Đất hiếm là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip thế giới. Nguồn tài nguyên quý nếu được khai thác đúng kỹ thuật sẽ giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, các quy hoạch trong lĩnh vực đất hiếm của Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thành. Mỹ đặt vấn đề về đất hiếm, đồng nghĩa hối thúc chúng ta sớm hoàn tất quy hoạch để thu hút đầu tư. Hiện tại, năng lực của doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ Mỹ, kể cả khâu thiết kế vi mạch. Việt Nam đang có lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch. Tuy nhiên, nếu không làm chủ được công nghệ, không khai thác được mảng nguồn nguyên liệu, thiết kế… thì giá trị gia tăng Việt Nam thu về trong ngành công nghiệp bán dẫn khó đạt như kỳ vọng. TS Trần Nhàn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics (Australia): Việt Nam mới tham gia được 2 khâu ở giai đoạn giữa là thiết kế và đóng gói Trong toàn chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam mới tham gia được 2 khâu ở giai đoạn giữa là thiết kế và đóng gói. Hai khâu này mang tính thực thi là chính chứ chưa được tham gia các khâu đầu não như thiết kế kiến trúc, sản xuất, hay thương mại hóa. Để xây dựng được một chuỗi công nghiệp bán dẫn đầy đủ cần quá nhiều yếu tố quan trọng, trong đó phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững, có tính kế thừa, cơ sở hạ tầng hiện đại, ổn định, quy trình làm việc và chính sách phải rõ ràng, mình bạch, tinh giản. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải có sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các công ty cung cấp phần mềm thiết kế, bởi giá cả các phần mềm này rất đắt. Trước mắt là phối hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các nhà máy sản xuất chip trên thế giới, sau đó là nhà máy trong nước, để sinh viên nghiên cứu có thể sản xuất và kiểm tra các ý tưởng thiết kế của mình, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng. Quá trình này sẽ giúp tạo ra đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, có thể tự mở ra các công ty thuần Việt, tự thương mại hóa chip do chính họ làm ra. T.D-H.Anh (ghi) |
Tin liên quan
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng cho chuỗi cung ứng ngành bán dẫn
18:26 | 28/08/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn cần sự đồng bộ
13:40 | 21/08/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phát triển nguồn nhân lực, sẵn sàng đón sóng đầu tư ngành vi mạch bán dẫn
13:15 | 28/05/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Fed cắt giảm lãi suất tác động ra sao tới Việt Nam?
16:08 | 21/09/2024 Kinh tế
TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp thu hút đầu tư năng lượng tái tạo
09:07 | 21/09/2024 Kinh tế
Để xuất khẩu dừa thành công vào Trung Quốc
08:58 | 21/09/2024 Kinh tế
100.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão số 3
19:36 | 20/09/2024 Kinh tế
DOC tiếp tục duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp túi dệt từ Việt Nam
13:37 | 20/09/2024 Kinh tế
TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa XNK tăng gần 7 tỷ USD
13:36 | 20/09/2024 Kinh tế
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau siêu bão số 3
09:37 | 20/09/2024 Kinh tế
“Siêu” cảng giúp thúc đẩy kết nối khu vực, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng của Việt Nam
08:44 | 20/09/2024 Kinh tế
Khơi thông vốn xanh để tăng tốc tới Net Zero
19:30 | 19/09/2024 Kinh tế
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD năm 2024
16:28 | 19/09/2024 Xuất nhập khẩu
Ngân hàng Chính sách xã hội tạm dừng thu lãi vốn vay bị ảnh hưởng từ bão số 3
15:14 | 19/09/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS): 28,55 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 9
14:03 | 19/09/2024 Infographics
bawns cas h5
Tin mới
Fed cắt giảm lãi suất tác động ra sao tới Việt Nam?
Thủ tướng Chính phủ: Các doanh nghiệp cần phát huy 6 tiên phong
Chủ tịch VinGroup, Thaco, Sun Group, Sovico… hiến kế cho phát triển kinh tế
Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn
Hé lộ Range Rover Velar mới
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phúc Hạnh
10:11 | 11/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Megastory/Longform