Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động hội nhập để phát triển bền vững
DN Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hoà nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: S.T |
Hạn chế lớn nhất là năng lực cạnh tranh
Tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững” tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua, các diễn giả nhận định, một trong những hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp (DN) hiện nay là năng lực cạnh tranh. Bà Lâm Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng Hội nhập trong nước, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, qua làm việc với một số DN trên địa bàn TPHCM, các DN đều cho rằng, trong môi trường hội nhập hiện nay, hạn chế lớn nhất của DN là năng lực cạnh tranh.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, hiện nay, Việt Nam đang triển khai hội nhập sâu rộng và toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam vừa phải đảm bảo độc lập tự chủ, vừa phải gắn kết chặt chẽ với kinh tế thế giới để kịp thời nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập. Thế giới đang chuyển từ nền kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; toàn cầu hóa chuyển dần sang khu vực hóa thương mại, xu hướng hợp tác song phương đang chiếm ưu thế so với hợp tác đa phương; sự đấu tranh giữa xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và chống bảo hộ thương mại; xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19...
Ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế TPHCM cho biết, để thích ứng các yêu cầu trên, thời gian qua, TPHCM đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Đây cũng là địa phương có hoạt động thương mại trao đổi đầu tư lớn nhất cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt trên 3,94 tỷ USD. Để đạt được kết quả này, TPHCM đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới.
TPHCM có số lượng DN đông nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập chỉ được các DN lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, liên kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc triển khai các vấn đề trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng… chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Với nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường, các chính sách hỗ trợ DN vẫn còn hạn chế.
Cũng theo ông An, điều đáng nói, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã chuẩn bị “tổ” để đón “đại bàng”, nhưng cũng có những “đại bàng” bay đến, rồi lại bay đi. Một trong những lý do là lao động Việt Nam dồi dào, nhưng chất lượng, tay nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới.
Cùng quan điểm này, bà Lâm Thị Quỳnh Anh cho rằng, hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, có bước phát triển vượt bậc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đã bộc lộ những tồn tại, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN, sản phẩm còn yếu. Hiện Việt Nam có khoảng 800.000 DN đang hoạt động, trong đó riêng TPHCM có 300.000 DN. Tuy nhiên, phần lớn các DN vừa và nhỏ, nên khó tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao, mới chỉ dừng ở công đoạn gia công, chế biến đơn thuần. Đối tượng hưởng lợi các FTA chủ yếu thuộc về các DN FDI, với 70% tổng giá trị xuất khẩu tập trung ở DN FDI; số DN nội địa tham gia vào sân chơi lớn này còn hạn chế.
Doanh nghiệp chủ động hội nhập
Ngày 5/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ- CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, trong đó đề ra những định hướng lớn cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.
Theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh, Nghị quyết số 93/NQ-CP được ban hành với nhiều mục tiêu cụ thể, như: chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực của bên ngoài; tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 FTA với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng; cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư; thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng, các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với thế giới, kể cả các nước trong khu vực; hiệu quả tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết quốc tế trong một số lĩnh vực còn hạn chế; hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế; mức độ đổi mới tư duy, sáng tạo trong suy nghĩ, quyết liệt trong hành động còn chưa thực sự cao, thêm vào đó, hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, ngoài sự chủ động của DN, trong bối cảnh hiện nay, cần tính đến những một số giải pháp chính sách như: tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, củng cố nội lực bằng việc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa. Tiếp đến, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Đặc biệt, đối với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và chủ động ứng phó với các tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết trong các FTA đã ký kết nhằm bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế: Chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu Chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới sẽ dịch chuyển theo 3 hướng. Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Thứ hai, dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư, thường gắn với hoạt động sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao. Thứ ba, tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hoá nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp nhằm phân tán rủi ro, như đặt hàng mua nguyên vật liệu, linh kiện từ nhiều nhà cung ứng tại các nước khác nhau. Trong thời gian tới, cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động… Để đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bên cạnh ổn định chính trị và ổn định vĩ mô, các quốc gia cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, dễ đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty đa quốc gia khi dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác để tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại. Từ thực tế trên, một số khuyến cáo cho DN Việt Nam: Một là, tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu; Hai là, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; Ba là, tận dụng tối đa những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế; Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm; Năm là, chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hội nhập quốc tế TPHCM: Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi xanh Trong thời gian gần đây, nhiều thị trường đã đặt ra những yêu cầu cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Từ 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đi vào hoạt động. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao (thép, nhôm, xi măng, phân bón…) sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 của Việt Nam. Do đó, các chính sách liên quan đến nhập khẩu của EU đều ít nhiều tác động đến DN xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thách thức lớn đối với một số ngành hàng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng là động lực để DN chủ động chuyển đổi xanh, hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi DN mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các DN trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Khi có mạng lưới DN cùng nỗ lực giảm phát thải, trung hòa carbon gắn kết với nhau, các DN sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mở ra được những cơ hội mới trong thách thức chung do thuế carbon. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Thay đổi tư duy sản xuất từ số lượng sang chất lượng Hiện nay, Việt Nam có hai ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao, nhưng nguyên liệu phần nhiều là nhập khẩu đó là điều và cao su. Chẳng hạn đối với mặt hàng điều, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 4 tỷ USD nguyên liệu điều, nhưng xuất khẩu lại chưa được 4 tỷ USD. Ngoài ra, đối với mặt hàng thủy sản, mặc dù Việt Nam có nhiều nhà máy chế biến, nhưng nguồn nguyên liệu, nhà máy chế biến cũng gặp nhiều vấn đề, nhất là mặt hàng tôm nguyên liệu phải nhập khẩu từ Ấn Độ. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu tôm từ Ấn Độ trị giá trên 400 triệu USD. Mỗi thị trường có đặt ra các quy định cụ thể mà DN cần phải nắm cụ thể để chủ động thực hiện. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc, sản phẩm cần phải đảm bảo truy xuất an toàn thực phẩm, có qui trình quản lý trong chuỗi sản xuất, đảm bảo nguồn gốc (vùng trồng, vùng nuôi); thị trường EU quy định: mức dư lượng ngày càng cao, qui định nguồn gốc nguyên liệu gắn với lao động và bảo tồn; phát triển bền vững và kinh tế xanh… Chính vì vậy, DN nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường, hoàn thiện nhà máy và hệ thống quản lý. Cần thay đổi tư duy sản xuất từ số lượng sang chất lượng, đặt mục tiêu đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Đồng thời, thiết lập cơ chế hợp tác hữu cơ giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo giá trị, chất lượng và an toàn cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến. Đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường ngày càng cao... P.V (ghi) |
Tin liên quan
Hải quan KCN Trảng Bàng lưu ý doanh nghiệp tránh các rủi ro, vi phạm
19:41 | 03/10/2024 Hải quan
Doanh nghiệp "bắt tay" cùng phát triển công nghệ cao
13:12 | 03/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
VPIM 2024: Giải chạy có đông nhiếp ảnh gia nhất từ trước tới nay
07:37 | 03/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cơ khí, chế tạo Việt Nam đón sóng công nghệ mới
15:38 | 02/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cách nào phá vỡ thế độc quyền trong phân phối xăng dầu?
15:03 | 02/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Siêu thị tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”
14:00 | 02/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
THACO AUTO bàn giao lô 237 xe tải Foton Ollin cho J&T Express Việt Nam
15:58 | 01/10/2024 Xe - Công nghệ
Ứng dụng AI để thúc đẩy năng lực kết nối ngành logistics Việt Nam
14:45 | 01/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cần hành động nhanh để bắt kịp xu thế “xanh”
14:08 | 01/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau bão
11:18 | 01/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Vedan Việt Nam đồng hành cùng chiến dịch “Nhặt rác bảo vệ môi trường”
11:10 | 01/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Ứng phó cạnh tranh thương mại, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ
18:21 | 30/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Vinamilk góp thêm 1, nhân đôi hỗ trợ cho học sinh các tỉnh gặp thiên tai
16:34 | 30/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Tân cảng – Cái Mép đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
13:55 | 30/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
bawns cas h5
Tin mới
Tội phạm lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy
9 tháng, ngành Hải quan thu ngân sách đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng
Hải quan KCN Trảng Bàng lưu ý doanh nghiệp tránh các rủi ro, vi phạm
Những thông tin hấp dẫn trên Tạp chí Hải quan số 80 phát hành ngày 4/10/2024
Khai phá tiềm năng thị trường Hồng Kông
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 3 tháng 9/2024
10:51 | 03/10/2024 Hải quan
(Infographic): 10 cục Hải quan có số thu ngân sách lớn
10:10 | 28/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics