Hàng hóa XK của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: T.D. |
Sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế -chính trị chiến lược kết nối các vùng kinh tế khu vực phía Nam và cả nước, nên mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch XNK của cả nước. Đây cũng là vùng “đầu tàu” trong XK của Việt Nam với nhiều tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước và liên tục xuất siêu, trong nhiều năm qua. Hàng hóa XK của Vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… Đặc biệt, sau những khó khăn, suy thoái bởi ảnh hưởng của thị trường thế giới, đến nay hoạt động sản xuất của hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ đã ghi nhận sự phục hồi tích cực ở nhiều nhóm ngành hàng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong Top 10 địa phương đóng góp kim ngạch XK lớn nhất trong năm 2023, khu vực Đông Nam Bộ vẫn giữ vai trò chủ đạo với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 67,6 tỷ USD, chiếm hơn 35% cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, XK là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. |
Trong đó, “ngôi sao sáng” phải kể đến là TPHCM với kim ngạch XK trong nửa đầu năm 2024 ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Chính từ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với chính sách hỗ trợ XK của chính quyền thành phố, TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về kim ngạch XNK trong nhiều năm qua. Bắt nhịp sôi động với các tỉnh trọng điểm trong vùng, trong 6 tháng đầu năm 2024, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Bình Dương tiếp đà phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhất là lĩnh vực XK hàng hóa, với con số ấn tượng về số lượng tờ khai XNK tăng đột phá. Tổng kim ngạch XK toàn tỉnh đạt gần 16,3 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại đạt gần 4,8 tỷ USD. Một địa phương không thể không nhắc tới đó là Đồng Nai, XK vẫn luôn là điểm sáng của tỉnh khi doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng, đơn giá một số mặt hàng tăng, hoạt động thương mại sôi động hơn. Nổi bật, 6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch XK của Đồng Nai ước đạt 11,139 tỷ USD, tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Hàng hóa của Đồng Nai hiện xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường XK chính vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. |
Đáng chú ý, tại Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, sản xuất công nghiệp địa bàn Tây Ninh tăng trưởng 13,51%; kim ngạch XK cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với kim ngạch ước đạt hơn 5,39 tỷ USD. Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (trừ dầu thô) đạt hơn 2,6 tỷ USD và Bình Phước trên 2,2 tỷ USD, trở thành những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý đầu năm 2024 của vùng Đông Nam Bộ. |
Hàng hóa vận chuyển qua cảng Cát Lái. Ảnh: T. H. |
Theo các doanh nghiệp, thị trường XK hiện nay có dấu hiệu tốt lên, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn. Nếu không có biến động lớn trên thế giới về chính trị, thương mại trong quý 3, quý 4 năm nay, XK của Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Có thể thấy, các mặt hàng XK chủ lực của vùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, linh kiện điện tử… đang dần phục hồi và tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường XK hàng hóa. Trong thập niên qua, Việt Nam vươn lên ngoạn mục trong chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu, trở thành nhà sản xuất đồ nội thất lớn thứ 6 thế giới trong năm 2023, chỉ đứng sau 5 nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Italia, Đức và Ấn Độ… Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản mang về 7,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Địa phương có tỷ trọng kim ngạch XK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu là Bình Dương với giá trị trên 3 tỷ USD. Đồng Nai có giá trị XK ngành gỗ lớn thứ 2 cả nước, sau Bình Dương. |
Hoạt động nghiệp vụ của Hải quan TPHCM tại cảng VICT. Ảnh: T. H. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Lưu Phước Lộc cho biết, ngành gỗ luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương về kim ngạch XK. Với nhiều thế mạnh cùng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới khu vực Trung Đông. Ngoài ra, Đông Nam Bộ là vùng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp chủ lực như: cao su, tiêu, điều, cà phê của cả nước. Đây đều là các cây trồng thuộc tốp đầu về XK, mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam. Trong đó, tỉnh Bình Phước được biết đến là “thủ phủ” điều của Việt Nam, chiếm hơn 50% lượng điều chế biến XK của cả nước. Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết trên địa bàn tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến điều, mỗi năm đóng góp 27% - 45% tổng kim ngạch XK của tỉnh. |
Mặc dù, vùng Đông Nam Bộ là điểm sáng tích cực trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhưng cũng bộc lộ điểm yếu trong việc đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể XK bằng chính thương hiệu của mình. Đơn cử, Đông Nam Bộ chiếm khoảng 65% lượng sản xuất đối với da giày, may mặc cả nước nhưng chủ yếu chỉ gia công. Tương tự, sản phẩm đồ gỗ cũng chiếm lượng lớn nhưng cũng chủ yếu gia công… Nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ. Trong khi đó, với bối cảnh hiện nay, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam Bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. |
Vận chuyển hàng hóa XK bằng đường sắt – một phương thức vận chuyển mới tại vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: T.D. |
Ở góc độ doanh nghiệp ngành hàng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, “điểm nghẽn” lớn nhất trong việc liên kết vùng Đông Nam Bộ thời gian qua là cơ sở hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lưu trữ, vận chuyển sản phẩm, đặc biệt là với ngành lương thực, thực phẩm. Tình trạng này làm giảm giá trị sản phẩm, làm phức tạp quá trình vận chuyển, lưu trữ. “Để phát huy hiệu quả trong việc liên kết xây dựng chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ ở khu vực cũng như xuất khẩu, bên cạnh hạ tầng giao thông TPHCM và hội đồng vùng Đông Nam Bộ cần sớm có cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống kho chứa, kho lạnh cho nông sản, thực phẩm nhằm duy trì chất lượng nguồn nguyên liệu, giảm bớt thất thoát, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của vùng”, bà Lý Kim Chi đề xuất. Mặt khác, theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực và thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển sản xuất, XK xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Thị trường XK quan trọng của Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa NK. Theo đó, để mở rộng phát triển thị trường XK, vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng trên thị trường trong nước. Đặc biệt là các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, EU… |
Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, EU là thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa XK sang thị trường EU cao, dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần EU. Ngoài ra, theo đuổi chiến lược xuất khẩu “xanh” bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh" trong thương mại quốc tế; hướng tới “xanh” hóa sản phẩm, xuất khẩu các sản phẩm carbon thấp, thân thiện với môi trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh… cũng là vấn đề đặt ra cho vùng Đông Nam Bộ. |
Đồng Nai là một trong những địa phương có hoạt động XK lớn của vùng. Ảnh: Đ.N. |
Nhằm tăng cường năng lực XNK hàng hóa không chỉ với Bình Dương mà cho cả khu vực phía Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương triển khai phương án chuyển tải hàng hóa ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Hàng hóa XK từ Bình Dương và các tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng và khu vực phía Nam nói chung đã được tập kết về ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, vùng Trung Á và châu Âu). |
Cùng với việc đánh thức tiềm năng của phương thức vận chuyển bằng đường sắt đối với hàng hóa XNK, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động nghiên cứu và tìm giải pháp triển khai thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh và kho hàng không kéo dài. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, đây là những phương thức vận chuyển mới, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa. Nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình này như Nhật Bản và Trung Quốc. Áp dụng kho hàng không kéo dài giúp giảm tải tại sân bay và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp XNK. Đồng thời, khi tham gia sử dụng dịch vụ kho hàng không kéo dài doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí khi vận chuyển hàng hóa đến cảng hàng không; thuận lợi trong việc gom và ghép đóng kiện hàng hóa; rút ngắn thời gian cân đo hàng hóa, soi chiếu an ninh và thủ tục hải quan; thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ hàng không. |
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết, Đồng Nai có hệ thống logistics khá hoàn chỉnh và phát triển. Đây là cơ hội và tiềm năng để phát triển thương mại điện tử trong hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực XK trực tuyến, đón đầu xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. XK trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thêm khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, mà còn góp phần đưa thương hiệu hàng Việt, sản phẩm của Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước nói chung đến tay người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới. |