Hoạt động tạo thuận lợi thương mại là một trong những nhiệm vụ then chốt của Chính phủ trong những nhiệm kỳ qua và đã được thực hiện tích cực với những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NWS) và cải cách kiểm tra chuyên ngành. Song, với những kết quả khảo sát doanh nghiệp gần đây cho thấy, dư địa cải cách vẫn rất lớn. |
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam chính thức vận hành từ tháng 11/2014. Dưới sự chỉ đạo tập trung từ Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam đang triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia với 250/261 thủ tục hành chính đã được tích hợp và có sự kết nối từ 13 cơ quan bộ, ngành. Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành cũng được đẩy nhanh với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện rõ tại các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch Covid-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế-chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Năm 2022 tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc kỉ lục 732,5 tỷ USD. |
Tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), ngày 5/8/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: triển khai NSW tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước; đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân... Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Phạm Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, Chính phủ đã có thời gian rất dài tập trung cải cách. Nếu nhìn cả vào quá trình từ 2015 đến nay thì sự thay đổi rất khác biệt. Tuy nhiên phải chia ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn năm 2015-2019, Chính phủ có những cải cách rất mạnh, những thay đổi trong các bộ quản lý chuyên ngành giúp các thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện tốt hơn, đồng thời nhiều thủ tục kết nối tốt với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Giai đoạn này chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, khác biệt. Doanh nghiệp cảm nhận và hài lòng khi thủ tục hành chính thủ công chuyển sang điện tử, cũng như cải cách kiểm tra chuyên ngành của từng bộ ngành khá rõ nét. |
Trong hoạt động kết nối thủ tục hành chính qua NSW, các bộ ngành đăng ký kết nối số lượng thủ tục tăng nhanh, nhiều. Nhưng thực tế doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hoàn toàn thông suốt không nhiều. Nhiều doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu còn chần chừ chọn một cửa hay qua hình thức trực tiếp. Dù vậy cũng phải ghi nhận sự cải cách tích cực ở nhiều lĩnh vực như thủ tục lĩnh vực giao thông vận tải hay kiểm tra chất lượng đã thực hiện trên môi trường điện tử giúp thuận lợi hơn. Nhưng điều đó cũng cho thấy mức độ khác nhau, sự quan tâm khác nhau của các bộ, ngành. Đây là một trong những điểm hạn chế, chưa đồng đều trong nỗ lực cải cách. Kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022” do Tổng cục Hải quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ nguồn lực từ Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã cho thấy những mặt tích cực và mặt hạn chế để các bộ, ngành tiếp tục cải thiện hoạt động tạo thuận lợi thương mại. |
Khảo sát tập trung đánh giá 12 thủ tục hành chính có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ dễ dàng thực hiện các thủ tục trong diện đánh giá dao động trong khoảng từ 45% đến 81%. Các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có tỷ lệ đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện cao nhất từ các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những thủ tục của Bộ Y tế. Cụ thể, khoảng 55% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tỷ lệ tương ứng đối với thủ tục “Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” là khoảng 49%. Một số thủ tục khác trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có trên 25% doanh nghiệp phản ánh việc tuân thủ còn tương đối khó hoặc khó “Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu,” “Thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh vào cảng biển quốc tế” và “Thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế”. |
Dù hoạt động cải cách kiểm tra chuyên ngành đã diễn ra tích cực trong những năm gần đây, nhưng khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi tuân thủ các thủ tục này vẫn khá phổ biến. Khảo sát công bố năm 2022 của VCCI cho thấy, mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa ở mức trung bình và dư địa để cải thiện vẫn còn rất rộng mở. Thủ tục “Cấp giấy phép và giấy tờ tương đương” của Bộ Công Thương được đánh giá là dễ tuân thủ nhất nhưng cũng chỉ có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ chưa đến 70%. Trong khi đó, thủ tục khó tuân thủ nhất trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa là “Công bố hợp quy” của Bộ Y tế (với tỷ lệ doanh nghiệp dễ/tương đối dễ thực hiện thấp nhất (58,5%). Tuy vậy, tất cả các bộ ngành được đánh giá đều cần tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là thủ tục của các bộ: Y tế Giao thông vận tải. |
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm là lĩnh vực cần thêm nhiều nỗ lực cải cách. Bộ Công Thương được đánh giá tốt nhất trong cả 3 thủ tục nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ tuân thủ ở thủ tục tốt nhất (cấp giấy phép và giấy tờ tương đương) cũng chưa đến 66%. Trong khi đó, cả ba thủ tục của Bộ Y tế đều xếp cuối nếu so sánh theo tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo thuận lợi và khó khăn khi tuân thủ. Về mức độ thuận lợi khi thực hiện các khâu quy trình phổ biến trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bao gồm: nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra hồ sơ; lấy mẫu kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra. Không có khâu quy trình nào nhận được từ 70% ý kiến doanh nghiệp trở lên đánh giá việc tuân thủ là “dễ” hay “tương đối dễ”. Khâu quy trình “nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra” là bước được doanh nghiệp nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong bốn khâu. Trong khi đó, “lấy mẫu kiểm tra” là khâu doanh nghiệp thường gặp khó khăn hơn cả. Đặc điểm này hầu như tương đồng ở tất cả thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành trong diện đánh giá. Nhóm các bộ, ngành có khâu lấy mẫu trong kiểm tra chuyên ngành bị đánh giá kém thuận lợi nhất là Bộ Xây dựng (chỉ 55,8% doanh nghiệp cho biết việc tuân thủ quy trình này là dễ hoặc tương đối dễ), tiếp đó là Bộ Thông tin và Truyền thông (56,4%), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (58,2%) và Bộ Y tế (59,3%). |
Nhìn vào nhưng con số trên cho thấy dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách là rất lớn. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, đối với việc vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia, các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhật chính sách, quy định mới trên cổng; cơ quan vận hành cần nâng cấp Cổng, tích hợp thêm các dịch vụ, tiện ích trên cổng; cải thiện cách thức thu thập, xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật và những vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp; đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính … Đối với lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các khâu trong quy trình kiểm tra chuyên ngành, từ nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu và thông báo kết quả; áp dụng đầy đủ và rộng rãi hơn nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết, không thống nhất; doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều đầu mối quan nhà nước. Ngoài ra, một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn thực hiện thủ công; một số thủ tục đã chuyển sang hình thức điện tử nhưng chưa toàn diện, một số bước vẫn yêu cầu hồ sơ giấy. Điều này dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các nước đã áp dụng hình thức chứng từ điện tử. Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng còn chịu sự quản lý của nhiều bộ, ví dụ: một số mặt hàng dược liệu nhập khẩu vừa thuộc phạm thuộc vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, mặt hàng cáp điện vừa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ... |
Ở góc độ doanh nghiệp, mong muốn Cổng thông tin một cửa quốc gia cần sớm được tích hợp các dịch vụ, tiện ích như ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như các tính năng thanh toán điện tử hay tích hợp hệ thống cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto) với các quốc gia khác trong khối ASEAN. Về lâu dài, Cổng thông tin một cửa quốc gia cần có tính tập trung hơn nữa, không chỉ là nơi cung cấp các dịch vụ công mà còn cung cấp các nền tảng kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ không chỉ giải quyết được các thủ tục hành chính mà còn có thể tìm kiếm các đối tác và mạng lưới dịch vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, Cơ chế một cửa quốc gia cần tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu mà doanh nghiệp đã cung cấp. Đối với lĩnh vực quản lý chuyên ngành, kết quả khảo sát chỉ ra rằng các lĩnh vực quản lý chuyên ngành như quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm và các lĩnh khác (kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm tra văn hóa) đều có nhiều dư địa để cải thiện. Trong đó, doanh nghiệp đề nghị các bộ ngành cần chú trọng đơn giản hóa hơn các khâu quy trình kiểm tra chuyên ngành (nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra, và thông báo kết quả kiểm tra). Trong đó, các bộ ngành cần tập trung giảm bớt các phiền hà trong hoạt động “lấy mẫu kiểm tra” vì đây là khâu doanh nghiệp thường gặp khó khăn hơn cả, đặc biệt là với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục giảm số mặt hàng và tỷ lệ số lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Các phương thức kiểm tra giảm cần được tiến hành nhiều hơn thay vì các phương thức kiểm tra chặt hoặc thông thường nếu như doanh nghiệp có hàng hóa giống hệt về mẫu mã và có kết quả kiểm tra chuyên ngành những lần trước đó đạt yêu cầu. Đặc biệt, nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm cần được áp dụng đầy đủ và thực chất hơn nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có lịch sử tốt về tuân thủ quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện danh mục hàng hóa rủi ro của tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hoạt động này có tính tập trung cao hơn và đúng đối tượng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành để tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện. |