Về kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, sau 3 năm triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ về chuyển đổi số, có thể nói chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết đơn vị trong ngành Tài chính. |
Trong xu thế phát triển nhanh của chuyển đổi số hiện nay, dữ liệu lớn đang trở thành nguồn lực thông tin quan trọng của đất nước. Cùng với kết nối, việc khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Việc ưu tiên tập trung phát triển và phân tích dữ liệu tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Với khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, đa dạng và phức tạp, không thể dễ dàng quản lý bằng các phương pháp quản lý dữ liệu truyền thống, do đó việc sử dụng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) trong lưu trữ, phân tích, xử lý số liệu là động lực chính cho tiến trình chuyển đổi số. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và đều là các lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đối với từng lĩnh vực cụ thể, Bộ Tài chính đã và đang dần hình thành các kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và xây dựng các hệ thống, ứng dụng CNTT tác nghiệp phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. |
Bộ Tài chính đã chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực trọng tâm: thuế, hải quan, kho bạc. Trong công tác quản lý thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và triển khai trên toàn quốc từ ngày 21/4/2022. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đến ngày 14/3/2024, khoảng 7,11 tỷ hóa đơn đã được xử lý. Tính đến ngày 14/3/2024, đã có 99,09% số doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan Thuế; 98,48% số doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng. Đến ngày 18/3/2024, có 47.122 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền. |
Về dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile, đến ngày 14/3/2024, đã có 830.974 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng, 1.272.715 giao dịch qua NHTM với tổng số tiền đã nộp thành công 3.147.9 tỷ đồng. Từ khi triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài đến ngày 14/3/2024, đã có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công. Đến ngày 14/03/2024, số lượng sàn thương mại điện tử trong nước gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến Cổng tiếp nhận thông tin của cơ quan Thuế là 362 sàn. |
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh. Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 69,5 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch. |
Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan: tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. |
Trong lĩnh vực kho bạc, 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu. |
Trong công tác quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã triển khai thành công Kho dữ liệu NSNN với mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo lập mô hình, phương thức khai thác báo cáo dữ liệu và phân tích dữ liệu đáp ứng yêu cầu về thông tin NSNN phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp, cung cấp các chỉ tiêu quan trọng như tổng thu cân đối NSNN/dự toán được giao, cơ cấu theo các khoản thu (nội địa, dầu thô, viện trợ, xuất nhập khẩu), thu ngân sách theo trung ương, địa phương, … qua đó giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, kịp thời ban hành, điều chỉnh các chính sách để đảm bảo tăng thu NSNN, quản lý tài khóa hiệu quả. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác ứng dụng CNTT, hiện đại hoá nhằm mục tiêu hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. |
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chương trình, hệ thống ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ như đưa chương trình quản lý văn bản điều hành vào vận hành và luân chuyển văn bản điện tử trong ngành Tài chính, thực hiện ký số từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên; thử nghiệm thành công hệ thống Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, trong đó có hợp phần báo cáo định kỳ được xây dựng theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. “Dự kiến đến cuối năm 2024, đầu năm 2025, Bộ Tài chính sẽ triển khai vận hành chính chức Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính trên nền tảng hợp phần đã thử nghiệm với hơn 44 chế độ báo cáo thuộc đầy đủ các lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài chính như NSNN, quản lý giá, đầu tư công, quản lý hải quan... Chúng tôi cũng đã triển khai và thử nghiệm các nền tảng họp trực tuyến bao gồm giải pháp hội nghị truyền hình và giải pháp phần mềm qua Internet giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đi lại của các cán bộ, tăng tính cơ động cho các cán bộ khi có thể họp mọi lúc, mọi nơi…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết. |
Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, năm 2024, để việc chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành được toàn diện, Bộ Tài chính đặt mục tiêu chuyển đổi số trên 3 phương diện: con người, thể chế, công nghệ. Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu: “Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin”. |
Từ nay đến hết năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu đào tạo, tập huấn, tuyên truyền chính sách về chuyển đổi số cho 100% cán bộ ngành Tài chính để nâng cao nhận thức, nắm rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác nâng cao năng lực quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai ứng dụng CNTT đối với các lĩnh vực quản lý nhằm tiến tới mục tiêu mọi hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. Đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức có liên quan; tập trung triển khai các nền tảng số chuyên ngành do Bộ Tài chính quản lý gồm: thuế điện tử, hóa đơn điện tử, cửa khẩu số, cảng biển số…, từ đó phấn đấu hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. |
Chia sẻ về mục tiêu chuyển đổi số năm 2024 của Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, năm 2024, toàn Ngành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ. |
Để chuyển đổi số thành công, toàn Ngành cần nghiên cứu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước tiên, cần tập trung nguồn lực thực hiện thành công xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, từ đó tạo tiền đề để tiến tới thực hiện Hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh. Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS. Đây sẽ là cuộc cách mạng lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan. |
Đối với Tổng cục Thuế, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2024, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế nhằm chống thất thu thuế, đặc biệt là đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới. Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc, từ đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, kết nối với các dữ liệu về đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, báo cáo tài chính,… làm cơ sở xây dựng hệ thống ứng dụng Phân tích dữ liệu và Quản lý rủi ro tổng thể trong công tác quản lý thuế; triển khai mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; bản đồ mỏ khoáng sản trên toàn quốc. |
Bên cạnh đó, ngành Thuế nâng cấp các dịch vụ thuế điện tử cung cấp cho người nộp thuế trên eTax, eTax Mobile, kết nối với các hệ thống liên quan đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế; xây dựng ứng dụng quản lý hiệu quả hiệu suất của cán bộ công chức giúp nâng cao trách nhiệm công vụ của công chức thuế trong xử lý công việc và phục vụ người nộp thuế. |
PV: Xin ông cho biết vai trò quan trọng của dữ liệu số trong chuyển đổi số ngành Tài chính? TS. Nguyễn Như Quỳnh: Kế hoạch chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh được thực hiện trên cơ sở ‘dữ liệu” là tài nguyên, “nền tảng” là giải pháp đột phá. Đây là những chìa khóa quan trọng cho quá trình xây dựng, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và giảm thiểu các rủi ro trong ngành Tài chính nói chung, lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng. Cụ thể, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thuế tiến tới cơ chế tự động kiểm tra chéo một cách có hệ thống các thông tin từ bên thứ ba nhằm phát hiện các nội dung tiềm ẩn rủi ro dẫn tới sai lệch trong hồ sơ khai thuế; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu ngành Thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các bên có liên quan, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ nhằm xử lý tự động quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác dự báo số thu, quản lý rủi ro thuế, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế… Trong lĩnh vực hải quan, việc sử dụng các hệ thống hải quan tự động tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc chuẩn hóa các biểu mẫu và chứng từ, chuẩn hóa dữ liệu, đơn giản hóa và tin học hóa các thủ tục thông quan để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa. |
Tối ưu hóa, tự động hóa và số hóa các quy trình, thủ tục và nghiệp vụ trong lĩnh vực hải quan là nền tảng của quá trình hiện đại hóa và hình thành hệ thống dữ liệu chất lượng cao nhằm triển khai các hệ thống quản lý rủi ro mạnh mẽ và hiệu quả. Hệ thống hải quan đổi mới theo hướng tự động hóa các quy trình, nghiệp vụ còn góp phần cung cấp cho Chính phủ số liệu thống kê chính xác và kịp thời về số thu ngân sách và tình hình ngoại thương của mỗi quốc gia. |
Nhờ đó, một mặt việc thu thuế và các nghĩa vụ được đảm bảo minh bạch, chính xác, giảm thiểu gian lận, cải thiện mối quan giữa cơ quan hải quan và khu vực tư nhân, đồng thời xây dựng được một cơ sở dữ liệu thống kê cho các mục đích chính sách kinh tế và tài khóa. Ở Việt Nam, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và công tác huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững nói riêng. Đảm bảo chất lượng dữ liệu và tăng cường quản lý dữ liệu là nền tảng quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý thu NSNN, xây dựng cơ chế chính sách huy động, phát triển nguồn lực và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong xây dựng dữ liệu số trong công tác huy động, quản lý nguồn lực ngân sách thời gian qua? TS. Nguyễn Như Quỳnh: Tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình chuyển đổi số công tác huy động và quản lý thu NSNN tiếp tục được khẳng định tại các quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm các nước cho thấy, xây dựng hệ thống dữ liệu số là một trong những trụ cột quan trọng, tiên phong để quá trình chuyển đổi số thành công. Theo OECD, khoảng 75% cơ quan quản lý thuế trên toàn cầu đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến như học máy, AI để khai thác dữ liệu theo cách giải phóng nguồn lực quản lý thuế. Trong thời gian qua, công tác cải cách hiện đại hóa các quy trình, nghiệp vụ của Bộ Tài chính đã ngày càng thực chất hơn, hướng tới hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực. Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành ngày càng đầy đủ, hiện đại, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tài chính - NSNN, như: Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), hệ thống tự động hóa thủ tục hải quan và hải quan một cửa Quốc gia (VNACCS/VCIS), hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (BMFAS), hệ thống trao đổi dữ liệu số ngành Tài chính (trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN)… |
Việc triển khai hạ tầng số, đặc biệt là hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính đã góp phần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính - NSNN, đặc biệt là các quy trình, nghiệp vụ về huy động nguồn lực tài chính công. |
Khai trương cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài. |
Đối với lĩnh vực thuế, hệ thống dữ liệu số của ngành đã ngày càng được hoàn thiện từ các quy trình liên quan như khai thuế, đăng ký thuế, nộp thuế, kế toán thuế, quản lý nợ thuế… Trong lĩnh vực Hải quan, ứng dụng CNTT đã có bước tiến quan trọng, dần xây dựng được hệ thống CNTT hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và áp dụng thành công các hệ thống 5E…, đóng góp to lớn cho việc triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử… PV: Vậy việc triển khai dữ liệu số của ngành Tài chính có những khó khăn, thách thức gì, thưa ông? TS. Nguyễn Như Quỳnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dữ liệu số trong công tác huy động nguồn lực tài chính và quản lý thu NSNN cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, cơ sở dữ liệu thông tin về thuế còn hạn chế, thông tin dữ liệu còn phân tán, chỉ phục vụ thực hiện thủ tục hành chính đơn lẻ. Dữ liệu hồ sơ, chứng từ đã được doanh nghiệp khai báo chưa được kế thừa và tận dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan tới doanh nghiệp. Dữ liệu thông tin đối với các loại hình kinh doanh mới như giao dịch liên kết còn chưa đầy đủ. Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro thu NSNN còn thấp. |
Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các hệ thống số của ngành Tài chính còn nhiều khó khăn, dữ liệu giữa các lĩnh vực tài chính chưa thực sự liên thông. Cụ thể, chưa số hóa đầy đủ và khai thác triệt để nhu cầu trao đổi thông tin giữa Cơ chế một cửa quốc gia và các bên liên quan; cơ sở dữ liệu thông tin về thuế chưa được kết nối tự động với các bên thứ ba (các ngân hàng, các cơ quan của Chính phủ), từ đó làm giảm hiệu quả trong công khai, minh bạch thông tin, thanh tra, giám sát thu NSNN. PV: Vậy đâu là những định hướng giải pháp trong xây dựng dữ liệu số ngành Tài chính nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành công hệ sinh thái Tài chính số trong thời gian tới, thưa ông? TS. Nguyễn Như Quỳnh: Giải pháp về dữ liệu số tiếp tục nắm vai trò trọng tâm trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý ngành Tài chính, đặc biệt là công tác quản lý thu NSNN. Để đảm bảo nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong công tác huy động nguồn lực trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tập trung vào một số nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu NSNN. Ban hành các quy định nhằm giải quyết những bất cập về kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, cơ quan đã được quy định tại một số nghị định chuyên ngành của Chính phủ cũng như nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia. |
Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan; tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ thuế, hải quan từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, phát triển hệ thống phân tích dữ liệu quản lý rủi ro trong thu NSNN nhằm tăng cường hiệu quả thu. |