|
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 3 đơn vị Hải quan gồm: Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Bình Dương và Cục Hải quan Đồng Nai có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với vùng kinh tế trọng điểm này, mà còn đối với cả nước. Hàng năm, 3 đơn vị Hải quan này làm thủ tục cho lượng hàng hóa với tổng kim ngạch XNK chiếm gần 38% cả nước; số thu nộp ngân sách nhà nước chiếm khoảng 45% của toàn ngành Hải quan.
Trung bình mỗi ngày, 3 đơn vị làm thủ tục cho hơn 20.000 tờ khai XNK cùng lưu lượng hàng hóa trên 80 triệu USD. Đặc biệt, trên địa bàn TPHCM có các cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế... là cửa ngõ thông thương hàng hóa XNK cho các doanh nghiệp phía Nam với thế giới. |
Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, khi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trở lại ở nước ta từ cuối tháng 4/2021, nhanh chóng lan nhanh ra hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, trong đó TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đang là tâm dịch của cả nước. Theo thống kê, tính từ ngày 27/4 đến ngày 7/9/2021, cả nước đã có 546.684 ca F0, trong đó riêng TPHCM có 265.846 ca, Bình Dương 138.593 ca, Đồng Nai 30.365 ca... TPHCM đã hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội và giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ; Bình Dương và Đồng Nai và 16 tỉnh thành phía Nam cũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gần 2 tháng nay. Tình hình dịch bệnh không chỉ làm khó khăn cho đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đe dọa rất lớn tới chuỗi cung ứng hàng hóa XNK của Việt Nam với thế giới.
Ba đơn vị Hải quan TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai được xác định nằm trong tâm dịch, hoạt động ở các đơn vị này cũng gặp vô vàn khó khăn, vất vả, khi thực hiện giãn cách xã hội chỉ được bố trí số người làm việc trực tiếp nhất định, còn lại làm việc từ xa, trong khi hàng hóa XNK cần thông quan với khối lượng lớn, nhiều mặt hàng như thiết bị y tế, vắc xin… cần thông quan ngay bất kể là ngày hay đêm là những trăn trở của các đơn vị Hải quan nơi đây. Trước tình hình đó, các đơn vị Hải quan đều xác định quyết tâm vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo thông quan hàng hóa, quản lý nhà nước về hải quan; trong đó công nghệ thông tin chính là huyết mạch cho việc xử lý công việc. Những phần mềm công nghệ, ứng dụng xử lý công việc được xây dựng từ trước thì nay đều được khai thác tối đa và phát huy hiệu quả vượt trội trong việc kết nối với doanh nghiệp khi mà điều kiện làm việc trực tiếp gần như không thể. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, chỉ đạo của chính quyền địa phương theo từng thời điểm, để ứng phó kịp thời, các đơn vị Hải quan tâm dịch cũng đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản phòng chống dịch với những tình huống giả định, giải pháp xử lý cụ thể để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch càng ngày càng phức tạp. Trong đó, Cục Hải quan TPHCM từ tháng 5/2021 đã xây dựng kịch bản chi tiết với 4 tình huống giả định tại các địa điểm Trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở và khu vực làm thủ tục của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; các đơn vị trực thuộc có làm việc và tiếp xúc với hành khách, khách hàng, xuất hiện trường hợp lây nhiễm virus SARS-Cov2…, cùng các phương án ứng phó cho từng tình huống cụ thể tại mỗi đơn vị chi cục, phòng ban công tác. Tương tự, Cục Hải quan Bình Dương cũng xây dựng kịch bản chuẩn bị các phương án, trong đó có tình huống giả định là chi cục bị phong tỏa, các chi cục thực hiện làm việc, tự nấu ăn, sinh hoạt, nghỉ tại đơn vị như thế nào; đồng thời phối hợp với phòng Giám sát quản lý và các chi cục trong trường hợp nhờ đơn vị khác kiểm tra hàng hóa hộ. Hay, tại Cục Hải quan Đồng Nai, xây dựng kịch bản, trong đó chuẩn bị sẵn “Điểm thông quan dự phòng” để đảm bảo công tác nghiệp vụ không bị gián đoạn ngay cả trong trường hợp trụ sở đơn vị bị cách ly, phong tỏa do có các F0... Các tổ phòng chống dịch Covid-19, Tổ test nhanh Covid-19, Tổ An toàn Covid-19 cũng được các đơn vị Hải quan này chủ động thành lập, thực hiện test nhanh Covid, và đảm bảo an toàn cho lực lượng CBCC của mình. |
Khi số ca nhiễm Covid-19 trong xã hội, trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp làm thủ tục XNK liên tục tăng cao, cùng với các khu vực bị khoanh vùng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế, của chính quyền các địa phương ngày một phát sinh trên diện rộng, vấn đề đặt ra làm sao để bảo đảm an toàn cho CBCC, mà các khâu nghiệp vụ không bị ‘thủng” là trăn trở của lãnh đạo các Cục Hải quan nơi đây. Với giả thiết, khi nơi ở bị phong tỏa, CBCC sẽ không thể tới chi cục làm việc, khiến việc đảm bảo các quy trình nghiệp vụ tại chi cục gặp khó khăn, thì xử trí thế nào? Mô hình “Chi cục xanh” đã được hình thành. Phương án “3 tại chỗ” với mô hình “Chi cục xanh” được các Cục Hải quan TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai triển khai ngay từ đầu tháng 7 tại một số chi cục Hải quan có nguy cơ cao và khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều doanh nghiệp có F0. Đến nay, đã có gần 30 chi cục hải quan thực hiện “3 tại chỗ”. Việc hình thành các “Chi cục xanh” của các đơn vị Hải quan đã góp phần tạo nên những “vùng xanh” tại các địa phương. Đây không chỉ là hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng những “pháo đài chống dịch”, mà còn là lực lượng “trực chiến” tại chỗ để dòng chảy thương mại hàng hóa của doanh nghiệp không bị ách tắc. Cũng chính nhờ đó mà đến nay hoạt động tại các đơn vị Hải quan nơi tâm dịch luôn được duy trì ổn định, đảm bảo thông quan hàng hóa cho hoạt động của doanh nghiệp. |
Đối với mỗi CBCC, việc thực hiện “3 tại chỗ” có thể coi là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong quãng đời làm việc của mình. Trong đó, không ít CBCC đã bám trụ tại chi cục trong suốt gần 3 tháng nay mà chưa thể về nhà. Anh Huỳnh Văn Tươi, công chức đang công tác tại Chi cục Hải quan KCX Long Bình (Cục Hải quan Đồng Nai) tâm sự: “Tôi đã ở lại chi cục suốt từ đầu tháng 6 đến nay. Bởi lẽ, sau khi tham gia “3 tại chỗ”, tình hình dịch tại khu nhà tôi ở Thủ Đức (TPHCM) ngày càng trở nên phức tạp, khiến cho con đường từ Đồng Nai về nhà ở TP. Thủ Đức bỗng chốc cứ xa vời vợi...”. Cũng tương tự như anh Tươi, sau khi “dọn” vào chi cục để thực hiện “3 tại chỗ” được vài ngày thì khu phố của gia đình anh Nguyễn Quang Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCX Long Bình, Đồng Nai bị phong tỏa do ghi nhận có những ca F0. Chính vì vậy, anh Văn chỉ còn cách giao phó toàn bộ việc nhà cho vợ để “cắm chốt” tại chi cục cùng anh em từ đầu tháng 7 đến nay. |
Công chức Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị sẵn sàng thực hiện "3 tại chỗ" |
Không chỉ đối mặt với nỗi buồn nhớ nhà và lo lắng về dịch bệnh, nhiều sự cố bất ngờ xảy đến đã khiến cho việc “3 tại chỗ” của các CBCC đối mặt với không ít khó khăn, vất vả. Tại Chi cục Hải quan Thống Nhất (Cục Hải quan Đồng Nai), trận mưa lớn bất ngờ vào chiều 25/8 đã cuốn bay hệ thống tường rào bao quanh chi cục và cuốn trôi lượng lớn hồ sơ trong kho lưu trữ của chi cục. May mắn là không có ai bị thương, nhưng sự việc xảy ra ngay giữa lúc toàn tỉnh Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc tìm người đến sửa chữa nhà hư hỏng, khắc phục hậu quả được coi như “nhiệm vụ bất khả thi”. Không còn cách nào khác, toàn thể cán bộ, công chức trong chi cục phải xắn tay vào việc. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, mọi người khoác lên mình bộ đồ bảo hộ lao động rồi cùng nhau khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn nơi làm việc... Chị Nguyễn Thị Thu Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương) cho biết, ngay khi TPHCM chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16 và văn bản của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày đối với người di chuyển từ vùng có dịch sang tỉnh thành khác trong thời điểm giãn cách, chị đã cùng các đồng nghiệp ngoài tỉnh Bình Dương nhanh chóng thu xếp việc gia đình ở TPHCM để đến Chi cục lưu trú phục vụ công tác và đảm bảo phòng chống dịch. “Mọi việc gia đình cũng như chăm sóc 2 con, tôi giao lại cho chồng. Đến nay, tôi đã ‘cắm chốt’ tại chi cục được gần 60 ngày rồi...”, chị Mai tâm sự. Chi cục Hải quan Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương) hiện có 12 CBCC đang túc trực 24/24 tại đơn vị, trong đó có 10 CBCC là nữ, hầu hết có con nhỏ. Có công chức con mới học lớp 2, lớp 3 không có ai trông nom, phải gửi hàng xóm, vì chồng đi làm xa, nội ngoại không ở gần. Đặc biệt hơn, ở Chi cục này có một công chức có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình neo đơn chỉ có hai mẹ con, mẹ năm nay đã ở tuổi 90. Để vừa đảm bảo yên tâm công tác, vừa chăm sóc được mẹ già, được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, anh đã phải chở cả mẹ già tới ăn, nghỉ tại đơn vị. Đơn vị đã tạo điều kiện, bố trí khu vực ăn nghỉ cho bà để anh yên tâm làm việc. |
Tại TPHCM, thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 “ai ở đâu thì ở yên đó”, “mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài” chống dịch, nhận được lệnh của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM và các Chi cục, hơn 6 giờ tối ngày 22/8, nhiều cán bộ công chức của Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các chi cục Hải quan cửa khẩu đã nhanh chóng chuẩn bị đồ dùng cá nhân, ăn vội bát cơm rồi trở vào đơn vị nhận nhiệm vụ “3 tại chỗ”. Tất cả đã sẵn sàng làm việc, ăn nghỉ tại đơn vị trong 2 tuần cao điểm bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8 với quyết tâm cùng với chính quyền và nhân dân TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Một số chi cục thuộc Cục Hải quan TPHCM, trước đó cũng đã thực hiện “3 tại chỗ”. Hiện, Hải quan TPHCM có khoảng 40 CBCC đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các chi cục. Anh Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, để đảm bảo phòng chống dịch và an toàn cho bản thân, gia đình, đơn vị, anh và một số anh em của Chi cục đã chủ động ở lại Chi cục hơn hai tháng nay, mặc dù gia đình ở ngay TPHCM. Trong số 3 đơn vị này, Hải quan TPHCM gặp khó khăn lớn nhất khi triển khai “3 tại chỗ” do hạn chế về không gian. Tại nhiều chi cục, CBCC phải tận dụng những khoảng không chật hẹp để làm nơi nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Bữa cơm ngày dịch cũng đạm bạc do việc mua lương thực, thực phẩm có nhiều hạn chế trong điều kiện giãn cách. Một số CBCC tại Đội thủ tục hành lý nhập và Đội thủ tục hành lý xuất- Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, do cảng hàng không quy định nghiêm ngặt không được nấu ăn tại nơi làm viêc và cũng không được ra ngoài mua đồ ăn mang vào vì lo lây nhiễm dịch bệnh, nên nhiều ngày nay, CBCC “3 tại chỗ” ở hai Đội này hầu hết phải ăn mỳ tôm, phở gói, và đồ hộp. Tuy nhiên, các cán bộ công chức đều rất nỗ lực, đồng lòng với mục đích chung đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch và thông quan hàng hóa. Với những cán bộ, công chức làm việc trực tuyến tại nhà cũng luôn khẩn trương, phối hợp tốt với CBCC tại chi cục để đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp. |
Ở nơi tâm dịch, làm việc trong môi trường có nhiều ca F0, và ngay tại các đơn vị này như Cục Hải quan TPHCM cũng có hàng chục công chức đã bị nhiễm Covid-19 phải đi viện điều trị; nhiều người trở thành F1, F2, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao; thậm chí đã có trường hợp công chức qua đời do bị nhiễm Covid-19... Thế nhưng các CBCC Hải quan ở tâm dịch vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, nguy hiểm, tạm gác lại công việc, hạnh phúc gia đình, tuân thủ tốt các biện pháp phòng chống dịch để thực hiện nhiệm vụ được giao, thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp và người dân. |
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc sát sao, kịp thời hơn nữa trong giải quyết thủ tục, thông quan nhanh chóng hàng hóa cho doanh nghiệp; giải quyết cho chuyển cảng đối với hàng hóa ở cảng Cát Lái tránh ách tắc tại cảng, các đơn vị Hải quan nơi tâm dịch đã có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, để hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM đã thành lập 2 tổ công tác gồm: Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Sau khi Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid -19 đi vào hoạt động từ đầu tháng 8 đến nay, Tổ đã hỗ trợ thông quan trên 250 tờ khai thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế; tiếp nhận và thực hiện gần 150 văn bản đề nghị làm thủ tục thông quan nhanh cho các lô hàng phục vụ phòng chống dịch; giải đáp vướng mắc qua đường dây nóng cho trên 30 trường hợp... “Gần đây, số lượng các lô hàng vắc xin, vật tư, thiết bị y tế nhập khẩu liên tục tăng lên, tuy nhiên, bất kể ngày hay đêm, các đơn vị Hải quan cửa khẩu đều hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thông quan kịp thời” – ông Nghiệp cho biết. Cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8/2021, Cảng Cát Lái hàng nhập khẩu về nhiều, do khó khăn trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp không đến làm thủ tục lấy hàng dẫn đến nguy cơ ùn tắc. Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu của Cục Hải quan TPHCM đã nhanh chóng, kịp thời đề xuất, giải phóng hàng tại cảng Cát Lái về các cảng biển khác và các ICD, tránh được ùn tắc hàng hóa cho cảng Cát Lái… Bên cạnh đó, Cục Hải quan TPHCM còn tổ chức các buổi giải đáp trực tuyến cho doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này. Tại Cục Hải quan Bình Dương, hàng ngày, tổ phản ứng nhanh của Cục và các chi cục liên tục cập nhật và xử lý các vướng mắc, thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp. Cục thường xuyên nắm thông tin, giữ liên lạc với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ. Nhằm “chia lửa” với cảng Cát Lái trong bối cảnh hàng hóa tồn đọng, Hải quan Bình Dương đã chủ động thực hiện các công việc liên quan đến việc chuyển hàng hóa ở Cát Lái về các cảng nội địa (ICD) để giải phóng cảng, và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhận hàng hóa gần hơn. Còn tại Cục Hải quan Đồng Nai, ngay từ ngày 9/5, Cục đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 để tiếp nhận các ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp và xử lý kịp thời. Một tên miền riêng được lập trên website của Cục để phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Các công cụ làm việc online như Dna-Info cũng phát huy tối đa hiệu quả trong việc trao đổi thông tin cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp. Bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết: “Từng chi cục đều nắm rất chắc tình hình doanh nghiệp qua việc theo dõi trạng thái tờ khai cũng như qua thông tin từ Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai. Lãnh đạo Cục cũng thường xuyên gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình cũng như xử lý các vấn đề phát sinh. Chủ động nắm bắt thông tin sẽ giúp đơn vị chủ động được nguồn lực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và chủ động trong công tác kiểm soát”. Lo lắng nhất của các đơn vị Hải quan tâm dịch hiện nay, ngoài việc bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức an toàn trong phòng chống dịch và làm việc, còn lo cho doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, đảm bảo sản xuất, thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, dù dịch bệnh bủa vây với rất nhiều tình huống phát sinh, nhưng tại 3 Cục Hải quan nơi tâm dịch vẫn vượt qua khó khăn, đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; mọi vướng mắc phát sinh đều được tháo gỡ kịp thời và không có tình trạng hàng hóa của doanh nghiệp nào bị thông quan chậm trễ. Với tinh thần quyết tâm và quyết liệt phòng chống dịch, tạo thuận lợi nhất thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đến hết tháng 8/2021, mặc dù tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng hóa XNK có chiều hướng giảm sút, nhưng 3 Cục Hải quan nơi tâm dịch vẫn có kết quả công tác ấn tượng. Cục Hải quan TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã làm thủ tục cho hàng hóa XNK với tổng kim ngạch đạt 161,6 tỷ USD; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 107.086 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tương ứng là 72,8%, 85,23% và 100% chỉ tiêu pháp lệnh. Với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, đặc biệt là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam vẫn đang còn hết sức phức tạp. Dự báo tình hình hoạt động của các đơn vị Hải quan sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Nhận thức rõ vai trò của mình trong kết quả chung về hoạt động XNK, phát triển kinh tế của khu vực phía Nam cũng như của cả nước, các đơn vị Hải quan trong tâm “bão” Covid-19 vẫn đang ngày đêm vững tâm khắc phục khó khăn, hiểm nguy của dịch bệnh, tận tụy với công việc để thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình, như sự tin tưởng của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn trong thư động viên CBCC trong Ngành mới đây: “Toàn thể CBCC, viên chức, người lao động ngành Hải quan tiếp tục nỗ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”./. |