Nhiều FTA chưa được TPHCM khai thác hiệu quả
TPHCM xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng trong mùa dịch | |
Để TPHCM trở thành trung tâm logistics và dịch vụ xuất khẩu vùng |
Nông sản là một trong những nhóm hàng có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU theo EVFTA. Ảnh: N.H |
Ngày 25/9, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19: cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may, da giày.
Nhiều FTA chưa được khai thác tốt
Hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Đặc biệt, có FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn và chất lượng rất cao là CPTPP và EVFTA.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, xét riêng 25 đối tác có FTA với Việt Nam (kể cả song phương và khu vực), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM qua các thị trường đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015-2019, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPHCM. Trong giai đoạn 2015-2019, cán cân xuất nhập khẩu của TPHCM với các nước có FTA với Việt Nam cũng là nhập siêu, nhưng có xu hướng giảm dần.
Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số FTA chưa được khai thác tốt. Điển hình như với khu vực ASEAN, sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, mức nhập siêu của TPHCM từ ASEAN có xu hướng tăng.
Tương tự với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết và tham gia 2 FTA với Hàn Quốc là AKFTA (có hiệu lực từ 6/2007) và VKFTA (có hiệu lực từ 20/12/2015). Từ năm 2007, TPHCM vẫn nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2016, sau khi VKFTA có hiệu lực, mức nhập siêu tăng mạnh và tiếp tục tăng qua các năm; mức nhập siêu năm 2019 gấp 1,89 lần năm 2015. “Điều này phản ánh các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng ưu đãi từ VKFTA tốt hơn doanh nghiệp TPHCM” – ông An đánh giá.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đánh giá, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng đựợc lợi thế, cơ hội từ các FTA, xuất khẩu một số ngành hàng tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công. Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao.
Theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất để hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA là khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa, thông qua việc cấp các C/O ưu đãi. Tỷ lệ tận dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA tăng dần trong thời gian qua nhưng vẫn còn hạn chế; trong đó, cao nhất là Ấn Độ (form AI) với 72% và thấp nhất là Nhật Bản (form VJ) với 8%.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tốt hơn do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô và các quy tắc khác đối với nông sản chế biến. Trong khi đó, mặt hàng công nghiệp có tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao do quy tắc xuất xứ đối với nhóm hàng công nghiệp về cơ bản phức tạp và khó đáp ứng hơn.
Lý giải về điều này, ông An cho rằng bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm thực sự đến các FTA. Nội dung các FTA thông thường liên quan nhiều đến hoạt động tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh, thể chế… nên chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn hoặc có nhu cầu xuất khẩu. Trong khi việc thực thi FTA chưa gắn liền với lợi ích và hoạt động hàng ngày của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trừ một số hội, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng mạnh như VASEP, HAWA…, nhiều hội, hiệp hội ở địa phương còn hạn chế về năng lực, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ được các doanh nghiệp tiếp cận thông tin hội nhập chuyên ngành.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA
Với EVFTA, EU là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống trong hơn 30 năm qua của TPHCM. Hiện EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TPHCM, đồng thời là đối tác xuất khẩu thứ ba và đối tác nhập thứ hai của TPHCM.
Theo báo cáo của Trung tâm hội nhập quốc tế TPHCM, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang EU đạt 5 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 3,6 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD. Nhập khẩu từ châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định, xuất khẩu có xu hƣớng tăng nhẹ. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là ngành dệt may, giày dép.
Việc thực thi hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp TPHCM và EU tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư. Nhất là trong điều kiện Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có sự kiểm soát dịch bệnh tốt, là môi trường lý tưởng và an toàn cho các nhà đầu tư EU.
Theo Trung tâm hội nhập quốc tế TPHCM, thời gian tới, để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả những lợi ích của EVFTA, TPHCM sẽ tăng cường tập huấn chuyên sâu về EVFTA cho từng nhóm DN, không dàn trải mà tập trung vào vấn đề DN cần như về quy tắc xuất xứ hàng hóa. TPHCM cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TPHCM.
Đặc biệt, do TPHCM là cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu của cả khu vực phía Nam. Do đó, chiến lược của TPHCM là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu phát triển về hạ tầng logictis, để cùng với các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.
Tin liên quan
Hải quan Hải Phòng: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 12,7 tỷ USD trong tháng 8
16:31 | 07/09/2024 Hải quan
Đẩy mạnh liên kết vùng để đưa hàng hóa ĐBSCL vươn xa
19:44 | 06/09/2024 Kinh tế
Doanh nghiệp tận dụng thời cơ vàng để ứng dụng khoa học công nghệ
19:42 | 06/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Khuyến cáo thực hiện nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Hàn Quốc
19:22 | 31/12/2020 Nhịp độ phát triển
Năm 2020 CPI Hà Nội tăng 2,67% so năm 2019
10:53 | 31/12/2020 Nhịp độ phát triển
EVFTA “cứu” xuất khẩu cá ngừ không bị giảm sâu
15:33 | 30/12/2020 Nhịp độ phát triển
Vừa đạt hơn 41 tỷ USD, xuất khẩu nông sản "nhắm" tới 50 tỷ USD
15:33 | 30/12/2020 Nhịp độ phát triển
Lưu ý mới nhất về thực thi quy tắc xuất xứ trong EVFTA
14:19 | 30/12/2020 Nhịp độ phát triển
Kiến nghị tiết giảm chi phí tạo đà cho xuất khẩu dệt may đạt 39 tỷ USD
15:25 | 29/12/2020 Nhịp độ phát triển
Khởi động Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo 2021
15:10 | 29/12/2020 Nhịp độ phát triển
Ngân hàng tiếp tục giảm chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay
11:03 | 29/12/2020 Nhịp độ phát triển
Ách tắc hàng hoá, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc giảm sâu
18:24 | 28/12/2020 Nhịp độ phát triển
Năm 2021 xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ USD ?
15:35 | 28/12/2020 Nhịp độ phát triển
Năm 2020, Việt Nam có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới
08:58 | 28/12/2020 Nhịp độ phát triển
Gần 1.200 gian hàng tại Triển lãm Quốc tế VIETBUILD HOME 2020
19:46 | 26/12/2020 Nhịp độ phát triển
Chưa có lô gạo xuất khẩu nào mang logo thương hiệu gạo Việt Nam
18:42 | 25/12/2020 Nhịp độ phát triển
Tin mới
Lạng Sơn: Hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu ổn định sau bão Yagi
Hải quan nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, thông quan thông suốt tại Hải Phòng, Quảng Ninh
Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão số 3
Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất
Khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 3
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Hải quan
(LONGFORM) Hải quan ASEAN: Hợp tác thúc đẩy thương mại theo hướng hiện đại
14:57 | 29/08/2024 Megastory/Longform
(LONGFORM) Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế
15:32 | 25/08/2024 Megastory/Longform
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ
19:52 | 23/08/2024 Infographics
(INFOGRAPHISC) Việt Nam-Trung Quốc ký kết 14 văn kiện hợp tác giữa hai nước
08:59 | 20/08/2024 Infographics