Quyết tâm sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Duy trì tăng trưởng cả quy mô, chất lượng
Năm 2023, TTCK Việt Nam có sự khởi sắc với tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% (so sánh với năm 2022). Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số VN-Index tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, những kết quả tích cực của thị trường trong năm 2023 và sự chuyển biến tích cực của tăng trưởng kinh tế vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của DN được cải thiện đã làm tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn đầu năm 2024. Ngay trong phiên khai Xuân Giáp Thìn, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.200 điểm, tạo kỳ vọng cho TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2024 khởi sắc hơn.
Nhìn một cách tổng thể, TTCK trong nước năm 2024 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực như việc Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho sức khỏe DN tiếp tục phục hồi, tiếp tục tạo điều kiện nền tảng cho TTCK Việt Nam duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng song hành cả quy mô và chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), các nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Đại diện REE kiến nghị, các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Cũng theo bà Mai, bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ hay năng lực quản lý, vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của DN nói chung và DN niêm yết nói riêng là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. Lãnh đạo REE kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và DN tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm.
TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: ST |
Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy cho sự phát triển của TTCK Việt Nam, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp mở rộng TTCK Việt Nam. Theo đó, về phía cung, cần đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UpCOM, bởi 50% vốn hóa trên UpCOM thuộc ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, thực phẩm và đồ uống, trong khi đó hiện tại, ngành ngân hàng và bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HoSE. Đồng thời, ông cũng đề nghị nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các DN khởi nghiệp và DN FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.
Về phía cầu, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng cần khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao. Bên cạnh đó, cần giới thiệu hệ thống cổ phiếu nhân dân để phân phối cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước uy tín và có nền tảng vững chắc với giá thấp hơn phát hành ra công chúng, thúc đẩy sự tăng trưởng tài sản của công dân. Đồng thời, triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn. Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức thường xuyên các hội nghị xúc tiến nhà đầu tư để liên tục giới thiệu các công ty uy tín của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn với khối lượng lớn.
Theo khuyến nghị của ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capita Việt Nam, Việt Nam cần liên tục phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn, đặc biệt là mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức ở Việt Nam. Bên cạnh đó, để kiểm soát vấn đề biến động của thị trường thì phải không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư. Ông Dominic Scriven cũng nhấn mạnh việc ủng hộ vấn đề nâng hạng TTCK Việt Nam và mong sớm ra đời phương thức bù trừ, thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) của Việt Nam. Đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capita Việt Nam đồng thời khuyến nghị cần phải nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam và khẳng định đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam.
Kiến nghị giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán dưới góc độ DN, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB nhấn mạnh chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng hàng hoá trên thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Nâng hạng TTCK là chủ trương chung và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Nội dung này cũng đã được nêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam
“Để thúc đẩy TTCK phát triển, trong năm 2024 cũng như trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCKNN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin DN, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN, các định chế thị trường; mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đặc biệt, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm hiệu quả, cân đong đo đếm được". Bộ Tài chính, UBCKNN, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình quản lý để đáp ứng được qui định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay”. (Lược ghi phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024) |
Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB): Nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược “WB ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của UBCKVN, các Sở giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký Bù trừ trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng hạng thị trường. Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược phù hợp với tham vọng lớn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Hiện tại, Việt Nam được MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Kể từ tháng 9 năm 2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. WB ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030 với một số điều kiện quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) Giải pháp bao gồm: cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu NĐTNN và sự hiện diện của đợt chào bán cổ phần lớn, bao gồm cả việc tiếp tục cổ phần hóa các DNNN lớn. Nếu giới hạn sở hữu của NĐTNN vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn vào ròng tối đa 5 tỷ USD, nhưng nếu giới hạn sở hữu của NĐTNN được giải quyết hoàn toàn, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8 đến 15 tỷ USD. Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8 đến 12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.
Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHồ Chí Minh: Đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi “TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển từng giai đoạn cả về chất lẫn lượng qua gần một phần tư thế kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là một thị trường cận biên (Frontier Market) bởi các tổ chức xếp hạng thị trường trên thế giới. Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi. Với những điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Hiện nay, TTCK Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE). Khung pháp lý của TTCK Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển. TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên và đang trong danh sách nhóm chờ nâng hạng thị trường mới nổi. FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các NĐTNN, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam đã nỗ lực rất cao. Có 3 vấn đề mà TTCK Việt Nam còn cần đạt được, đó là: Thứ nhất, mở rộng không hạn chế tỉ lệ sở hữu của các NĐTNN vào các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép mở tỉ lệ sở hữu cho NĐTNN lên đến 100% đối với các DN không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, sự chủ động mở rộng tỉ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các DN niêm yết. Thứ hai, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn. Với việc này chúng tôi đang tích cực dưới sự chỉ đạo của UBCKNN hợp tác với các ngân hàng lưu ký nước ngoài để tìm ra giải pháp và tin tưởng mức độ thành công cao. Thứ ba, việc cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường là rất cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, với điều kiện phải truyền thông tốt cho các DN niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin”. Hoài Anh (ghi)
|
Tin liên quan
Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư
09:39 | 24/09/2024 Chứng khoán
Fed cắt giảm lãi suất tác động ra sao tới Việt Nam?
16:08 | 21/09/2024 Kinh tế
Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần đủ 100% tiền
12:24 | 19/09/2024 Chứng khoán
Chuyên gia Canada: Giảm thuế GTGT là cần thiết nhưng không nhất thiết phải có trong mọi cuộc suy thoái
21:08 | 25/09/2024 Tài chính
Truyền thông là trụ cột quan trọng để quản trị rủi ro trên thị trường trái phiếu
16:37 | 24/09/2024 Chứng khoán
7 giải pháp trọng tâm để quản lý thuế thương mại điện tử
14:44 | 24/09/2024 Thuế - Kho bạc
Cục Thuế TPHCM dồn lực tập trung giải quyết sớm hồ sơ đất đai
19:29 | 23/09/2024 Tài chính
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế
16:46 | 23/09/2024 Tài chính
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng
16:30 | 20/09/2024 Tài chính
Việt Nam sẽ đạt xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đề ra
09:48 | 20/09/2024 Tài chính
Bộ Tài chính trao quyết định bổ nhiệm nhân sự 2 lãnh đạo cấp vụ
20:23 | 19/09/2024 Tài chính
Giám đốc KBNN Hà Nam được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc KBNN TPHCM
20:00 | 18/09/2024 Tài chính
Bảo hiểm tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng chịu thiệt hại bởi bão số 3
07:40 | 17/09/2024 Tài chính
Ngành Tài chính khẩn trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ
18:44 | 16/09/2024 Tài chính
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ
18:43 | 16/09/2024 Tài chính
Miễn giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp sau bão số 3
16:53 | 16/09/2024 Thuế - Kho bạc
bawns cas h5
Tin mới
Chuyên gia Canada: Giảm thuế GTGT là cần thiết nhưng không nhất thiết phải có trong mọi cuộc suy thoái
Công tác phối hợp giữa Hải quan và Biên phòng An Giang đạt kết quả nổi bật
Hải quan-Biên phòng Quảng Trị thực hiện hiệu quả công tác phối hợp
Chính sách đột phá để thu hút FDI thế hệ mới
Tội phạm ma túy liên quan chặt chẽ đến tội phạm tham nhũng, rửa tiền
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phúc Hạnh
10:11 | 11/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Megastory/Longform