Cải cách, tạo thuận lợi thương mại- “chìa khóa” tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia (*)
Xin Phó Thủ tướng đánh giá về vai trò của công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn với chủ trương Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh; hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, loại bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua việc đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, có cơ chế giám sát việc thực hiện; tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tục hành chính trực tiếp ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, thủ tục phức tạp, thiếu minh bạch, bất hợp lý sẽ là rào cản, gánh nặng cho doanh nghiệp, là mầm mống cho tham nhũng, tiêu cực phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy, Chính phủ đã xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm, khâu đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đạt được những kết quả tích cực. Theo Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia được đánh giá (tăng 9 bậc so với năm 2015).
Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn khó khăn khi thực hiện như: Lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, y tế, công thương… Công khai, minh bạch về thủ tục hành chính tại một số địa phương vẫn chưa kịp thời.
Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; có quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, đối tác toàn diện với 10 nước. Cho đến nay, đã có 64 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, đang tiếp tục đàm phán 4 Hiệp định FTA thế hệ mới. Việc tham gia đàm phán, ký kết các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, song cũng đan xen rất nhiều thách thức đến từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào một số chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu trong đó có: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than); chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.
Do vậy, việc đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết nhằm tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế; tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.
Như vậy, có thể nói, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại chính là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính cần: Tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Thưa Phó Thủ tướng, để thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giao lưu thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và hội nhập quốc tế, đâu là những giải pháp có tính chất đột phá?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Để thực hiện được các mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường cải cách thể chế và thực thi thể chế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ rất coi trọng việc tiếp tục hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, ban hành một luật mới sửa đổi, điều chỉnh quy định của nhiều luật liên quan; đã tập trung rà soát, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, đơn giản hóa hoặc giảm bớt nhiều quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, các thủ tục xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC)…
Vấn đề này đã được khẳng định nhiều lần tại các văn bản của Chính phủ và mới đây nhất là Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban, chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, ngày 8-12-2016 tại trụ sở Tổng cục Hải quan. Ảnh: Hữu Linh. |
Việc triển khai các biện pháp và các hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, XNC là để hiện thực hóa các cam kết và điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết, gia nhập. Mặt khác, các hoạt động này cũng xuất phát ngay từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế nói riêng và cả đất nước nói chung để tận dụng những cơ hội và giải quyết những thách thức mà xu hướng hội nhập chung đem lại cho cộng đồng; bảo đảm vị thế của đất nước khi hội nhập.
Đứng trước yêu cầu cải cách thủ tục hành chính để giải quyết các vấn đề hiện tại cũng như đáp ứng tiến trình hội nhập thông qua việc hình thành các thị trường chung, các khu vực thương mại tự do, các điều ước song phương, đa phương liên quan đến hoạt động thương mại và vận tải trong tương lai không xa, Việt Nam cần có một cơ chế chỉ đạo, điều hành chung mang tầm quốc gia để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, XNC nhằm bảo đảm cho các cơ quan hành chính nhà nước hành động một cách nhất quán, đồng bộ theo định hướng thống nhất. Chính vì vậy, ngày 4-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1899/QĐ-TTg thành lập thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Với cương vị là Trưởng ban chỉ đạo Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, xin Phó Thủ tướng cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Ủy ban cũng như Phó Thủ tướng sẽ ưu tiên tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện thời gian tới?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện tốt mục tiêu: Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải XNC, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Chúng ta phải ưu tiên tập trung triển khai theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện, cụ thể đến năm 2018, phải hoàn thành triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.
Thưa Phó Thủ tướng, một trong những rào cản lớn nhất đối với hoạt động xuất nhập khẩu là vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Tới đây, “điểm nghẽn” này sẽ được Ủy ban chỉ đạo tháo gỡ như thế nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, các quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; góp phần bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó đưa ra 73 nhóm danh mục kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành cần phải sửa đổi, bổ sung.
Ngày 14-11-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2185/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN; 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan. Thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại là phải có giải pháp, lộ trình, bước đi cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ trên đây của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” nêu trên.
Thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về công tác cải cách của ngành Hải quan? Để góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng thời gian tới ngành Hải quan phải tập trung thực hiện những khâu đột phá nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Thời gian qua, ngành Hải quan có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và nhận được sự đánh giá cao của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp như: Thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; chủ trì phối hợp triển khai các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa XNK ngay tại cửa khẩu; đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật trong quản lý, giám sát hải quan… Trong những năm gần đây, ngành Hải quan đã chủ trì triển khai các nội dung công việc liên quan đến thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, với những kết quả bước đầu tích cực, góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN.
Tới đây, bên cạnh việc thực hiện tốt các mục tiêu về cải cách, hiện đại hóa hải quan theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Ủy ban phê duyệt phương án triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; đề xuất và tổ chức triển khai phương án dự phòng, sao lưu, an ninh, an toàn, bảo mật và các nội dung liên quan khác bảo đảm cho việc vận hành, duy trì và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Số giờ nộp thuế của doanh nghiệp hiện là 117 giờ/năm, hết năm 2016 còn 110 giờ/năm; 99% số doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và trên 90% số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử. Thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu; 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn còn từ 1- 3 ngày. |
((*) Đầu đề do Báo Hải quan đặt).
Tin liên quan
Giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT sau bão Yagi
21:17 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Bộ Công Thương "hỏa tốc" yêu cầu đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thuỷ điện
19:10 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)
15:56 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vi phạm về chất lượng, một cây xăng bị phạt trên 600 triệu đồng
14:05 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đã có 273 người thương vong, mất tích do bão, sạt lở đất và mưa lũ
11:39 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP
08:41 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia buồn cùng gia đình nạn nhân vụ sạt lở tại Hòa Bình
08:14 | 09/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão số 3
19:31 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất
19:25 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 3
19:24 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Bão số 3 gây thiệt hại nặng cho hệ thống điện
16:25 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Khẩn trương cấp điện trở lại khi bão Yagi đi qua
09:55 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3
09:54 | 08/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
bawns cas h5
Tin mới
Phấn đấu thu ngân sách vượt trên 10% dự toán
Giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT sau bão Yagi
Từ 9h ngày 10/9, phương tiện chở hàng XK qua cửa khẩu Hữu Nghị được điều tiết vào Khu phi thuế quan
Yêu cầu các ngân hàng rà soát thiệt hại, hỗ trợ khách hàng sau bão số 3
Bộ Công Thương "hỏa tốc" yêu cầu đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thuỷ điện
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Megastory/Longform
(LONGFORM) Hải quan ASEAN: Hợp tác thúc đẩy thương mại theo hướng hiện đại
14:57 | 29/08/2024 Megastory/Longform
(LONGFORM) Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế
15:32 | 25/08/2024 Megastory/Longform
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ
19:52 | 23/08/2024 Infographics
(INFOGRAPHISC) Việt Nam-Trung Quốc ký kết 14 văn kiện hợp tác giữa hai nước
08:59 | 20/08/2024 Infographics