Bão đi vào Quảng Bình, Hà Tĩnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Dự báo vị trí, đường đi bão số 13 |
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 40km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Đến 04 giờ ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất trung tâm vùng áp thấp mạnh dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trong tối và đêm nay (15/11), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4m; biển động.
Gió mạnh trên đất liền: Trong tối nay, trên đất liền ở Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Mưa lớn: Từ nay (15/11) đến chiều mai (16/11), từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 120mm; các nơi khác ở Việt Bắc có mưa vừa với lượng mưa từ 20-50mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Hiện nay (15/11), bão số 13 đã đi vào khu vực Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh.
Trong chiều tối và tối nay (15/11), ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.
Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4m, biển động.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1; riêng vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị: cấp 3.
Hiện nay (15/11), nhiễu động gió Đông đang hoạt động mạnh dần lên.
Dự báo: Trong đêm nay và ngày mai (16/11), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông sau bão số 13 nên ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to, có nơi mưa rất to.
Đêm nay và ngày mai (16/11), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 17-20 độ, vùng núi 15-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ.
Thời tiết khu vực Hà Nội đêm nay ngày mai (16/11): Có mưa, mưa vừa. Trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ.
SẴN SÀNG ỨNG PHÓ MƯA LỚN, LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT
Về công việc cần triển khai tiếp theo, Văn phòng Ủy ban Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11 và số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.
Thứ ba, kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du.
Thứ tư, kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão.
Thứ năm, đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến.
KHẨN CẤP ỨNG PHÓ BÃO SỐ 13 Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1601/CĐ-TTg ngày 14/11/2020 chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13. Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, đối với khu vực trên biển: Tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển. Tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu thuyền; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển. Rà soát, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Thứ hai, đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ: Tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao,... hạn chế thiệt hại do bão. Khẩn trương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm (trong các nhà không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét,...) đến nơi an toàn. Triển khai phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng. Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Thứ tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin để người dân, chính quyền cơ sở biết, chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do bão, lũ. Thứ năm, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Thứ sáu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chật chẽ diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương trọng điểm dự kiến bão đổ bộ để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. |
BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH, HẠ DU THỦY ĐIỆN
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành văn bản số 190/TWPCTT gửi Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị khẩn trương, nghiêm túc triển khai đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, phần lớn các hồ thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) gây mất an toàn cho hạ du.
Các sự việc trên đã được phản ánh nhiều trên cơ quan thông tất báo chí cũng như sự quan tâm của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, trước mắt nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ hồ và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định.
Phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ; đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Tin liên quan
Vẫn còn nhiều trường học chưa thể dạy học sau bão lũ
10:13 | 18/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Miễn giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp sau bão số 3
16:53 | 16/09/2024 Thuế - Kho bạc
Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn hỗ trợ thuế, phí trong trường hợp gặp thiên tai
20:00 | 13/09/2024 Thuế - Kho bạc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp quan trọng tại Liên hợp quốc
08:01 | 20/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII
21:07 | 19/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng giảm tùy loại trong kỳ điều hành ngày 19/9
15:11 | 19/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10
10:33 | 18/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Chính phủ: 6 nhóm giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3
09:35 | 18/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương
09:03 | 17/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tăng cường kết nối và hỗ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Lào
08:20 | 17/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
'Phông bạt'
07:41 | 17/09/2024 Người quan sát
TP Hồ Chí Minh: Đặt chỉ tiêu 99,5% hồ sơ giải quyết đúng hạn
21:45 | 15/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Khắc phục hậu quả bão lũ, giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%
18:35 | 15/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vượt khó, đồng hành qua bão lũ
06:41 | 15/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Việt Nam-Indonesia hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 18 tỷ USD
19:06 | 14/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Xây dựng pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, nhưng phải kiến tạo để phát triển
19:00 | 14/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
bawns cas h5
Tin mới
2/5 doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ tại Hải quan Đắk Lắk được nâng hạng
Hải quan– Biên phòng Gia Lai-Kon Tum phối hợp ngăn chặn hàng cấm qua biên giới
Vụ 42 ô tô bị rơi xuống biển: Đề nghị điều tra tai nạn hàng hải
“Siêu” cảng giúp thúc đẩy kết nối khu vực, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng của Việt Nam
Những hạng mục chủ xe cần kiểm tra, bảo dưỡng để ôtô “khoẻ mạnh” sau mùa bão lũ
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phúc Hạnh
10:11 | 11/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Megastory/Longform