Nhiều giải pháp tháo điểm nghẽn logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XNK
Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng phát biểu khai mạc Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa”. Ảnh: Phó Bá Cường |
Logistics phát triển chưa tương xứng
Phân tích các nguyên nhân khiến logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế năng động của cả nước, các đại biểu nhận định có khá nhiều điểm nghẽn, trong đó hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, quỹ đất… là những điểm nghẽn chính.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, nút thắt hiện nay trong phát triển logistics là chi phí logistics của Việt Nam hiện còn quá cao so với khu vực. Nhìn thấy điều đó, TPHCM đã chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ ngay, giúp giảm chi phí logistics.
Theo Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TPHCM sẽ đầu tư 7 trung tâm logistics phục vụ cho XNK hàng hóa. May mắn là trung tâm logistics tại khu công nghệ cao cơ bản đã hoàn tất các quy trình thủ tục chuẩn bị, đã chọn xong chủ đầu tư. Đây sẽ là trung tâm logistics đầu tiên trong đề án được triển khai. Ngày 5/4/2023, Sở Công Thương đã ký văn bản cuối cùng trả lời khu công nghệ cao để họ yên tâm hỗ trợ chủ đầu tư triển khai đề án. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là vị trí và diện tích 7 trung tâm này khác nhau, mỗi khu có tính chất khác nhau dẫn đến kêu gọi đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư đều khó.
Khoảng 10 năm trước, chi phí logistic của Việt Nam ở mức khoảng 20% GDP. Trong 5 năm gần đây theo nghiên cứu của VLA thì chi phí đã giảm xuống khoảng 16,8%. Hiện vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm chi phí này xuống ngang bằng khu vực là 10-12%, nhưng câu chuyện về hạ tầng kết nối giao thông chưa tạo thuận lợi cho việc này. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch VLA. |
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, hạ tầng giao thông trong vùng chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối. Hiện nay, hạ tầng giao thông tại TPHCM nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN. “Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TPHCM - Mộc Bài, hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ và vùng Ðông Nam bộ, các tuyến đường vào các cảng biển…”- ông Thành kiến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp logistics, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, thời gian qua các cơ quan, ban ngành đã tính cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa XNK, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc tồn đọng về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số quy định còn chồng chéo, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn. Thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương nhằm tận dụng tốt lợi thế của từng địa phương, tổng hợp, chia sẻ nguồn lực, cơ hội thay vì cạnh tranh cục bộ. Các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; liên kết giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị... cũng khiến doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.
Giải quyết ngay các "điểm nghẽn"
Khu vực phía Nam chiếm 60% lượng hàng cả nước, nếu cải thiện logistics sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước, gia tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Nếu giải quyết được khúc mắc vận chuyển, giảm chi phí cho vận tải sẽ giải quyết được vấn đề lớn và góp phần giải quyết các khó khăn của kinh tế.
Từ thực tế trên, đại diện các sở, ngành TPHCM, hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận đề xuất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn" để phát triển dịch vụ logistcis tương xứng với tiềm năng, thúc đẩy hàng hóa XNK, đặc biệt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Để phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, TPHCM và các địa phương cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống sông, kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như: ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế,… Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các cảng cạn, cải thiện thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hải quan, kiểm dịch hàng hóa và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng và hậu phương sau cảng,… Chính vì thế, mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics của cả khu vực sẽ khó có thể hoàn thành.
Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: C.L |
Để phát huy hiệu quả của các cảng, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn kiến nghị, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, kết nối khu vực giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên toàn cầu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xanh, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững, có hình thức khuyến khích phát huy tiềm năng các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải thủy xuyên biên giới. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; phát triển các loại hình vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nhất là với hàng quá cảnh.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực ngay từ bây giờ và có chiến lược đào tạo dài hạn trong tương lai theo chuẩn quốc tế. Ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng chặng cuối và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Các doanh nghiệp kiến nghị, với vai trò “nhạc trưởng” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, TPHCM và các địa phương cần nhanh chóng "chuyển mình", chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt; thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan: Ngành Hải quan chủ động có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp logistics
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hệ thống cảng biển lớn như: Cảng Cát Lái, cảng Phú Mỹ, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Long An và các sân bay như Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành đang được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa. Theo thống kê, riêng vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong những năm qua, ngành Hải quan nói chung và các Cục Hải quan vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng đã chủ động có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp dịch vụ logistics để thúc đẩy hoạt động thương mại. Nhiều năm qua, ngành Hải quan ở phạm vi Trung ương và các cục Hải quan tỉnh, thành phố đều ban hành và triển khai Kế hoạch “Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp” trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp XNK và doanh nghiệp dịch vụ logistics. Điển hình là Cục Hải quan TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA) nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường kết nối trong hoạt động dịch vụ logistics, nhằm tạo thuận lợi thương mại. Việc hỗ trợ, hợp tác của cơ quan Hải quan với các hiệp hội và doanh nghiệp logistics trong việc cung cấp thông tin, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan và chính sách XNK một cách thường xuyên, kịp thời cũng như trong việc đào tạo, huấn luyện cho nhân viên Đại lý làm thủ tục hải quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo dựng được uy tín để thu hút các doanh nghiệp XNK tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM: Khu vực phía Nam có lợi thế về sông ngòi nhưng để khai thác được thì vẫn còn rất nhiều vấn đề
Xác định tầm quan trọng của công tác tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế, Cục Hải quan TPHCM cùng Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã cùng xây dựng Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây là một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan TPHCM nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cổng làm thủ tục riêng để tạo thuận lợi cho XNK hàng hóa. Đến nay đã có 134.000 tờ khai và 146.000 container được tạo thuận lợi thông qua đề án này. Theo chủ trương chung của ngành, Cục Hải quan TPHCM đang đề nghị các doanh nghiệp trong đề án này chuyển sang tham gia chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Trong chương trình này, các doanh nghiệp cũng sẽ được ưu tiên tạo thuận lợi và giảm tỷ lệ kiểm tra, tạo thuận lợi cao nhất. Trong khi chương trình doanh nghiệp ưu tiên có điều kiện quá cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đáp ứng được. Với chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, Tổng cục Hải quan đang yêu cầu mở rộng chương trình. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam: Cần thêm khoảng 18.000 lao động ngành logistics
Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển. Khi nhu cầu logistics phát triển mạnh với các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế thì ngành logistics cần đáp ứng ngay nhân sự chất lượng cao. Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy 53,3% doanh nghiệp thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp có đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên. Lao động sẵn có cho các dịch vụ logistics hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tại Việt Nam. Hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết lao động trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo lại đội ngũ nhân viên, chưa kể đến vấn đề "chảy máu chất xám" nhân lực vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Các nhà quản lý thường là những người chủ chốt, được đào tạo và đào tạo lại; tuy nhiên, họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít khi cập nhật kiến thức và phong cách lãnh đạo của họ chưa theo kịp nhu cầu. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Cần lựa chọn mục tiêu ưu tiên phù hợp với nguồn lực
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chi phí đưa 1 container từ Bến Tre về Cát Lái cao gấp 3 lần chi phí từ Băng Kốc (Thái Lan) về Cát Lái. Điều này ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Hiện khu vực phía Nam chiếm tới 60% lượng hàng hóa của cả nước, nếu tổ chức hoạt động vận tải trong khu vực hiệu quả hơn thì chắc chắn chi phí sẽ giảm xuống, giúp tăng sản lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó tạo tác động lan tỏa tích cực cho cả vùng và đóng góp cho cả nước. Theo đó, việc ưu tiên các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho logistics cần phải được tập trung. Tuy nhiên, mặc dù mục tiêu đã có, giải pháp và cách thức thực hiện cũng đã được xác định, nhưng trong thực tế, mục tiêu luôn mâu thuẫn với nguồn lực. Hiện nguồn lực có giới hạn và khó có thể thực hiện được tất cả các mục tiêu, nên buộc phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên, phù hợp với nguồn lực, còn nếu dàn trải thì sẽ vừa mất nguồn lực, vừa không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, để triển khai đề án phát triển ngành logistics của TPHCM một cách hiệu quả, TPHCM đã thành lập hội đồng ngành gồm chuyên gia và các cơ quan ban ngành liên quan để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả nhất phù hợp với nguồn lực còn giới hạn hiện nay. Theo đó, hiện thành phố đang tập trung xây dựng kho dữ liệu về logistics để nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác các phương tiện vận tải… Song song đó, các nhiệm vụ khác như đào tạo nhân lực, củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang tiếp tục được triển khai. Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Xây dựng hành lang pháp lý thu hút hàng quá cảnh
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp XNK, cũng như doanh nghiệp logistics, cần xây dựng hành lang pháp lý, đặc biệt là quy định kiểm tra, giám sát đối với hàng quá cảnh, trung chuyển nhằm thu hút lượng hàng rất lớn qua cụm cảng Cái Mép và TPHCM. Lượng hàng quá cảnh Campuchia hàng năm tương đương 450.000 TEUs, lượng hàng trung chuyển tại Cái Mép và TPHCM tương đương 400.000 TEUs và có thể tăng thêm vì Cái Mép, TPHCM hiện có dịch vụ cảng tương đối cạnh tranh so với Singapore về chi phí bốc xếp rẻ hơn. Để tạo được luồng hàng càng ngày càng cao, đề nghị cơ quan chức năng rà soát điều chỉnh Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC tạo điều kiện thuận lợi theo hướng nguyên container, nguyên seal, không áp dụng khai báo chi tiết như hàng XNK. Xây dựng các giải pháp, đề xuất tháo gỡ qui trình, thủ tục cho hàng trung chuyển, quá cảnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục này thay vì áp dụng như hàng hóa XNK vào Việt Nam. Cụ thể: Nghị định 90/2017/NĐ-CP, Nghị định 128/2020/NĐ-CP; các Thông tư 30/2014/TT-BNNPNT, 06/2022/TT-BNNPTNT) và một số thông tư liên tịch. Rà soát các văn bản liên quan đến định nghĩa cảng cạn, ICD, cảng biển để tháo gỡ cho hàng chuyển cảng đích, di lý giữa các cảng trong cùng chi cục, khác chi cục trong cùng cục hải quan hoặc giữa các cảng thuộc cục hải quan khác nhau. Xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại TPHCM đối với phương thức vận tải bằng đường thủy nhằm thúc đẩy phát triển vận tải xanh, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng. Nhóm PV (ghi) |
Tin liên quan
“Gọi tên” các thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang đối mặt
15:29 | 08/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Lợi nhuận 9 tháng của khối doanh nghiệp trung ương tăng
11:26 | 08/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
WB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
14:39 | 08/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng ra công điện hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
10:56 | 08/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tuyên bố chung Việt-Pháp về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
08:00 | 08/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45
08:00 | 08/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
08:00 | 08/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
3 lí do khiến giá bất động sản tăng cao đột biến
19:47 | 07/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đề xuất cơ sở pháp lý lập sàn giao dịch dữ liệu
18:47 | 07/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
5 nhiệm vụ cấp thiết, phấn đấu GDP năm 2024 tăng trên 7%
18:45 | 07/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4/2024 từ 7,5 đến 8%
18:27 | 07/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp về chủ nghĩa đa phương
08:32 | 07/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đề xuất mở đường bay thẳng giữa TP Los Angeles và TPHCM
15:31 | 06/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Nguyên nhân nào làm CPI 9 tháng tăng?
15:01 | 06/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Việt Nam - Thành viên chủ chốt, tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng Pháp ngữ
09:21 | 06/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
bawns cas h5
Tin mới
Cử tri hỏi Ngân hàng Nhà nước làm gì khi người vay vốn bị “cưỡng ép” mua bảo hiểm?
Ngành Hải quan chủ động quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới
Cần phương thức quản lý thuế thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển
Doanh nghiệp xứ Basque tìm cơ hội hợp tác tại Việt Nam
Bộ Tài chính công khai 326 dự án giải ngân đầu tư công dưới 30% kế hoạch
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 3 tháng 9/2024
10:51 | 03/10/2024 Hải quan
(Infographic): 10 cục Hải quan có số thu ngân sách lớn
10:10 | 28/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics