Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Còn thờ ơ- còn rủi ro
Bảo vệ DNXK trước rủi ro thanh toán
Với các DN XK của Việt Nam tới đây, khi Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) và các hiệp định thương mại khác, cơ hội giao thương là rất lớn. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với những rủi ro. Hiện nay, để cạnh tranh với DN các nước trong XK, các DN cần tính đến phương thức bán trả chậm. Bởi đây là phương thức hiện nay thường được các tập đoàn NK lớn trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế phương thức này có nhiều rủi ro và việc mua BHTDXK được đánh giá là con đường cuối cùng, an toàn nhất.
BHTDXK là bảo hiểm bảo đảm cho những rủi ro trong thanh toán XK. Trước đây, các DN thường sử dụng tín dụng thư của ngân hàng (L/C) để bảo lãnh cho XNK. Nhưng hiện nay các tập đoàn lớn hàng năm ký hợp đồng NK với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD không sử dụng hình thức này, bởi mức phí khi sử dụng phương thức thanh toán này khá cao, từ 2-3% tổng giá trị hợp đồng. Do các tập đoàn lớn chủ yếu sử dụng các phương thức trả chậm, nên hợp đồng XK với họ sẽ không có bảo lãnh của ngân hàng. Chính vì vậy các DN XK cần có bảo hiểm thanh toán từ các tập đoàn, DN bảo hiểm, để nếu nhà NK không thanh toán thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán cho DN. Bảo hiểm cũng sẽ bảo vệ cho DN XK khi bên NK có những lý do bất hợp lý để từ chối thanh toán. Nếu có rủi ro bên NK không thanh toán cho bên XK thì bảo hiểm sẽ thanh toán.
Hơn nữa, các hợp đồng BHTDXK thường bảo đảm đến 90% giá trị hợp đồng, cho nên BHTDXK cũng chính là giấy bảo lãnh giúp các DN vay được vốn ngân hàng để sản xuất cho các hợp đồng XK lớn, do có khả thi trong thanh toán.
BHTDXK là phương tiện để DN mở cửa, đến với những tập đoàn lớn trên thế giới. Nếu không có BHTDXK thì XK của Việt Nam không thể “bay cao” được. Nhưng trên thực tế, các DN Việt Nam chưa quen với BHTDXK, vì đang làm ăn nhỏ, hợp đồng XK chỉ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn USD, chứ chưa có nhiều những hợp đồng XK hàng chục triệu hay hàng tỷ USD như các tập đoàn lớn trên thế giới.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
DN ngại gia tăng chi phí
Thực tế, nhiều DN Việt gặp rủi ro khi XK, đặc biệt là với XK tiểu ngạch. Những mất mát này DN phải tự chịu lấy và các DN thường cũng che giấu những rủi ro đã gặp phải.
Là một giải pháp đảm bảo an toàn tài chính cho DN XK, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch XK từ sự phát triển hoạt động tín dụng XK an toàn, hiệu quả, từ năm 2011 đến hết năm 2013, chương trình thực hiện thí điểm BHTDXK đã được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thực hiện (theo Quyết định số 2011/QĐ-TTg ngày 5-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ), song kết quả chưa được như kỳ vọng.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện thí điểm, các DN bảo hiểm chỉ mới cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm trong đó có 23 hợp đồng BHTDXK và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp (bảo hiểm cho cả doanh thu XK và doanh thu bán hàng nội địa) với tổng kim ngạch XK được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng.
Lý do các DN vẫn thờ ơ với phương thức này chủ yếu là do DN Việt Nam nói chung có tâm lý cứ phải thấy rõ lợi ích thì mới dùng, hoặc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trao đổi với Báo Hải quan, đại diện của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, đến nay chưa có DN nào thuộc Hiệp hội tham gia loại hình bảo hiểm này.
“Hiệp hội đã tuyên truyền cho DN về BHTDXK, tuy vậy có thể do chưa có rủi ro nào xảy ra với DN nên DN chưa thấy rõ lợi ích của BHTDXK, không hào hứng lắm với HBTDXK”, ông Nguyễn Xuân Tiền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thương nhân Việt Nam chưa quen với loại hình BHTDXK. Các DN ngại đóng phí BHTDXK vì sợ gia tăng chi phí, không nghĩ đến sự an toàn của lô hàng, dù phí BHTDXK tối đa chỉ là 1‰ giá trị hợp đồng.
“Bên cạnh đó, đặc tính của DN Việt Nam là quy mô nhỏ, giá trị lô hàng XK thường chỉ 10.000 - 100.000 USD, ít có những hợp đồng hàng triệu USD, cho nên DN Việt Nam thường chấp nhận rủi ro. Chưa kể, đa số các DN XK của Việt Nam làm hàng gia công XK như dệt may, giày da, gỗ... Nguyên liệu do khách hàng cung cấp, DN chỉ có giá trị gia công, cho nên DN chưa coi trọng việc mua BHTDXK”, ông Lộc cho biết.
Cần có thông tin đầy đủ cho DN
Việc triển khai loại hình BHTDXK cũng gặp khó khăn từ phía DN bảo hiểm. Ông Phùng Đắc Lộc cũng cho biết, đối với DN bảo hiểm, khó nhất hiện nay là hệ thống dữ liệu thông tin của khách hàng XK và khách hàng NK để có được đánh giá rủi ro của hai khách hàng này. Đối với khách hàng trong nước (XK) cần đánh giá rủi ro để cung cấp hạn mức tín dụng. Với khách hàng nước ngoài (NK) phải có thông tin của họ để đánh giá khả năng thanh toán cho lô hàng XK, đánh giá đạo đức kinh doanh của khách hàng NK... Ngoài ra còn phải đánh giá rủi ro chính trị của nước NK, rủi ro chiến tranh, xung đột... “Nếu mua thông tin của nước ngoài thì phải trả phí, phải có thời gian dẫn đến đàm phán ký kết hợp đồng bị kéo dài. Tuy nhiên, đây là những khó khăn ban đầu. Sau này khi nhiều nước nhận hàng theo hình thức này (trả chậm), thì chúng ta sẽ có nhiều dữ liệu hơn”, ông Lộc cho hay.
Khảo sát cho thấy, bên cạnh những khó khăn trên, một trong những lý do khiến chưa có nhiều DN tham gia loại hình bảo hiểm này là do các DN không có thông tin về loại hình BHTDXK.
Khi được hỏi, nhiều DN XK cho biết họ chưa bao giờ biết đến BHTDXK. Ông Nguyễn Đình Xuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành Xuân cho biết chưa nắm được thông tin về loại hình bảo hiểm này. Được biết, DN của ông Nguyễn Đình Xuân đã từng là một trong những DN đầu tiên XK xe máy sang Lào. Bên cạnh đó DN của ông cũng thực hiện đầu tư vào Campuchia nhưng gặp khá nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu, DN chuyên sản xuất, XK giày dép, phụ liệu, cho biết DN của ông chưa tham gia loại hình bảo hiểm này bao giờ. “Tôi đã từng nghe nói về BHTDXK và tôi đã hỏi một số ngân hàng về loại hình bảo hiểm này nhưng chưa có thông tin gì”, ông Nguyễn Hữu Anh cho hay.
Tương tự, một số DN khác như Công ty Cổ phần chế biến XNK Thủy sản Quảng Ninh, Công ty chế biến NXK Nông lâm sản Lạng Sơn, Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận)... khi được hỏi đều cho biết chưa từng nghe thấy thông tin về BHTDXK.
Như vậy, bên cạnh việc có cơ chế hỗ trợ tối đa cho các DN khi tham gia BHTDXK, các bộ, ngành liên quan trước hết cần phải nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho thương nhân về mô hình này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tiền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng thời gian tới cần tuyên truyền mạnh hơn về BHTDXK. “Theo tôi BHTDXK là rất cần thiết, vì Việt Nam đang đẩy mạnh XK. Về phía Hiệp hội, chúng tôi dự định cuối năm 2014 sẽ mở Hội nghị diễn đàn DN, theo đó sẽ mời đại diện Bộ Tài chính hoặc đại diện ngân hàng có liên quan BHTDXK đến để thuyết trình cho các DN”, ông Tiền cho hay.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam: “BHTDXK là loại hình bảo hiểm đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững cho các DN XK, giúp các DN tránh được những rủi ro, đổ vỡ. Loại hình này đã được nhiều nước làm rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua có nhiều lý do khiến BHTDXK chưa phát triển. Trước hết là do nhận thức của các DN còn hạn chế. Nhiều DN chưa thấy được tác dụng, lợi ích của loại hình bảo hiểm này, bởi các DN của ta thường làm đến đâu biết đến đấy, chưa có yếu tố phòng xa, đồng thời chưa có mô hình tốt để tham khảo. Bên cạnh đó, việc chấp hành, triển khai BHTDXK của các cơ quan chức năng chưa tạo được hứng thú cho DN. Tôi cho rằng để các DN cởi mở hơn với BHTDXK, có rất nhiều việc phải làm, như cần có cơ chế đồng bộ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền về loại hình bảo hiểm này tới các DN, vì đây là loại hình còn mới lạ đối với các DN trong nước.” Bà Nguyễn Thị Thu Trà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Lâm (Hà Nội): “Tôi chưa từng nghe tới loại hình BHTDXK. Hiện nay các đối tác XK chính của chúng tôi là các quốc gia châu Phi. Với những hợp đồng XK, từ trước đến nay chúng tôi chỉ xuất hàng khi đã nhận được tiền từ phía DN NK. Chúng tôi không mạo hiểm với việc thanh toán trả chậm”. T.Hiền (thực hiện) |
Tin liên quan
Từ 9h ngày 10/9, phương tiện chở hàng XK qua cửa khẩu Hữu Nghị được điều tiết vào Khu phi thuế quan
21:07 | 09/09/2024 Kinh tế
Yêu cầu các ngân hàng rà soát thiệt hại, hỗ trợ khách hàng sau bão số 3
19:10 | 09/09/2024 Kinh tế
Dệt may kiên trì vượt khó, đón cơ hội từ thị trường
14:15 | 09/09/2024 Kinh tế
Trái cây Việt Nam có cơ hội đi sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc
10:13 | 09/09/2024 Kinh tế
Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng tích cực cả về lượng và chất
09:15 | 09/09/2024 Kinh tế
Sầu riêng đông lạnh - dư địa tăng trưởng mới của ngành sầu riêng
07:40 | 08/09/2024 Kinh tế
Phó Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng năm 2024 có khả năng đạt 15%
20:09 | 07/09/2024 Kinh tế
Vì sao trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm?
19:50 | 07/09/2024 Kinh tế
Lựa chọn chính sách kinh tế để “cất cánh” thành công
10:20 | 07/09/2024 Kinh tế
Đẩy mạnh liên kết vùng để đưa hàng hóa ĐBSCL vươn xa
19:44 | 06/09/2024 Kinh tế
Tăng tốc phát triển du lịch bền vững thông qua ESG
19:29 | 06/09/2024 Kinh tế
Bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3
19:23 | 06/09/2024 Kinh tế
Nhiều tín hiệu tốt cho doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu thủy sản
14:51 | 06/09/2024 Xuất nhập khẩu
bawns cas h5
Tin mới
Phấn đấu thu ngân sách vượt trên 10% dự toán
Giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT sau bão Yagi
Từ 9h ngày 10/9, phương tiện chở hàng XK qua cửa khẩu Hữu Nghị được điều tiết vào Khu phi thuế quan
Yêu cầu các ngân hàng rà soát thiệt hại, hỗ trợ khách hàng sau bão số 3
Bộ Công Thương "hỏa tốc" yêu cầu đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thuỷ điện
(LONGFORM) Tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ: Tập trung nguồn lực, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện công tác hải quan
07:44 | 04/09/2024 Megastory/Longform
(LONGFORM) Hải quan ASEAN: Hợp tác thúc đẩy thương mại theo hướng hiện đại
14:57 | 29/08/2024 Megastory/Longform
(LONGFORM) Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế
15:32 | 25/08/2024 Megastory/Longform
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ
19:52 | 23/08/2024 Infographics
(INFOGRAPHISC) Việt Nam-Trung Quốc ký kết 14 văn kiện hợp tác giữa hai nước
08:59 | 20/08/2024 Infographics