Làm gì để “phá băng” sức ỳ trong cổ phần hóa, thoái vốn?- Bài cuối: Đã có cơ sở để xem xét trách nhiệm cá nhân
Ông Nguyễn Hồng Long. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi về chất, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả này?
Tôi xin nhấn mạnh rằng, cổ phần hóa và thoái vốn là công cụ để sắp xếp, đổi mới hoạt động của DNNN. Mục tiêu lớn nhất của sắp xếp, đổi mới hoạt động DNNN là đổi mới mô hình quản trị, thay đổi công nghệ và kêu gọi, thu hút đầu tư để đảm bảo cho DNNN hoạt động có hiệu quả cao nhất, thu được nhiều nhất về cho NSNN. Trên tinh thần đó, việc cổ phần hóa và thoái vốn phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và đem lại lợi ích cao nhất.
Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, thực hiện kế hoạch đặt ra, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai quyết liệt hoạt động này.
Trước hết là Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Đây là Quyết định đầu tiên hết sức cụ thể, quy định rõ các ngành, nghề nào được giữ tỷ lệ vốn Nhà nước là bao nhiêu.
Tiếp đó, các văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020; Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Phải nói rằng, không loại văn bản nào ban hành có thể đúng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, cho tất cả vùng miền và cho tất cả thời điểm. Ngay sau khi có các văn bản quy định về cổ phần hoá, sắp xếp DN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP và ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Sau đó, ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi cho Nghị định 91/2015/NĐ-CP về vốn đầu tư nhà nước và doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản khác và đặc biệt, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách doanh nghiệp hết sức khẩn trương và sát sao.
Qua những gì ông vừa nêu thì có thể thấy Chính phủ đã dồn nhiều “tâm sức” vào công tác này. Tuy nhiên, như Báo Hải quan đề cập trong những bài viết trước, thực tế cho thấy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, đến nay mới thực hiện cổ phần hóa đạt 27,5% về số doanh nghiệp và hoàn thành thoái vốn đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Đến thời điểm này đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn là chậm thì chưa thực sự thoả đáng bởi thực tế, kinh nghiệm cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, 3 năm đầu tiến độ khá chậm, chỉ cổ phần hóa được 116 DN nhưng 2 năm cuối lại đạt tới 383 doanh nghiệp, gấp 3,3 lần. Đó là chưa kể việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn cần trải qua nhiều khâu, nhiều bước phải chuẩn bị, cũng có nhiều nguyên nhân cần tổng hợp.
Đơn cử như theo công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn này cần cổ phần hóa 127 doanh nghiệp nhưng đến nay riêng hai thành phố lớn có 50 doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được. Hay thoái vốn mới đạt 21% là tính theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232. Ngoài Danh mục này ra, còn rất nhiều kênh khác thực hiện thoái vốn. Ngay trong năm nay, thoái vốn 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp thoái vốn theo Quyết định 1232, còn 20 doanh nghiệp thoái vốn theo các đầu mối khác.
Phân tích cụ thể hơn có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình thực hiện dài hơn như tôi đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, nhiều DN cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020 là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất mất nhiều thời gian, các DN thực hiện cổ phần hóa, bao gồm cả DN cấp 2 đều phải rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; việc tư vấn xác lập hồ sơ pháp lý, cho ý kiến đối với phương án sử dụng đất do địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.
Đặc biệt, không thể phủ nhận việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc, bất cập; còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được đẩy nhanh trong 2 năm cuối giai đoạn 2019-2020, đặc biệt là năm 2020. Việc đánh giá kết quả thực hiện sẽ được tiến hành vào cuối 2020.
Trong thời gian tới, những vướng mắc sẽ được tháo gỡ thế nào để bảo đảm việc cổ phần hóa vừa đúng pháp luật nhưng phải nhanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thưa ông?
Vừa qua, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.
Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP trong tháng 7 năm 2019.
Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyên đề để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai, tài sản công của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong quý III năm 2019.
Những văn bản trên sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về thể chế, nhưng bên cạnh đó thì phải cần đến sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất cao của các cấp quản lý và các tập đoàn, tổng công ty và đặc biệt trong này phải nhấn mạnh đến việc hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn; triển khai các công việc cần thiết để triển khai ngay kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo điều chỉnh.
Như ông đã nói ở trên, một trong những lý do gây ách tắc quá trình cổ phần hóa, thoái vốn là do tâm lý e ngại, chưa quyết liệt, chưa chủ động, không dám làm dám chịu. Nên chăng, bên cạnh gỡ vướng về thể chế, đã đến lúc Chính phủ cần áp dụng chế tài để đẩy lùi điều này, thưa ông?
Đây đúng là vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói tới. Trong Chỉ thị số 01/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán cổ phần hóa và nộp tiền kịp thời, đầy đủ về Quỹ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của DNNN; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Đặc biệt yêu cầu bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn; trách nhiệm trong tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm; bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.
Chỉ thị số 01 chính là cơ sở để xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn,…khi kết thúc giai đoạn 2016-2020.
Loạt bài Làm gì để "phá băng" sức ỳ trong CPH, thoái vốn đăng trên Báo Hải quan (từ số 110, phát hành ngày 12/9/2019) đã gửi tới bạn đọc một bức tranh khá tổng thể về thực trạng quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN thời gian qua. Có thể thấy, quá trình này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc đem lại sức sống mới cho các DN, tuy nhiên so với mục tiêu Chính phủ đề ra thì vẫn chưa đạt. Ghi nhận của Báo Hải quan từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành cũng như địa phương trong 5 số báo đã chỉ rõ nguyên dẫn đến sự chậm trễ này. Về các nguyên nhân khách quan, có thể thấy rõ các nguyên nhân chính, đó là cơ sở nhà, đất đai của khu vực DNNN có số lượng nhiều, phạm vi lớn, cho nên việc rà soát, sắp xếp lại mất nhiều thời gian, hay bị kéo dài; việc phê duyệt đề án CPH, thoái vốn và quyết toán chuyển thể giai đoạn DNNN chậm; các văn bản quy định liên quan tới CPH, thoái vốn chủ yếu mới dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc mà thiếu vắng các quy định pháp lý cụ thể nên trong quá trình thực hiện, các DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh; Nhiều đầu mối chỉ đạo... Về nguyên nhân chủ quan: Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt, vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện,... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt thêm 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc CPH, thoái vốn DNNN đến cùng, không thể chậm trễ hơn được nữa. Để "phá băng" sức ỳ trong CPH, thoái vốn, loạt bài cũng đã chỉ rõ một số giải pháp căn cơ có thể giải quyết phần nào các vướng mắc, tồn tại trên, đó là cần phân cấp mạnh hơn trách nhiệm cho địa phương phối hợp với DN để đẩy nhanh hơn tiến độ về phê duyệt đất đai, CPH; cần cơ chế để thực hiện nghiêm túc hơn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; cần bổ sung, sửa đổi chính sách theo hướng rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo và quá nhiều đầu mối. Riêng về thoái vốn, cần bổ sung, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 32 theo hướng giảm giá khởi điểm bán vốn, xem xét bỏ bước chào bán cạnh tranh trong quy trình bán cổ phần, bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần nhằm bán hết cổ phần nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN. Điều chúng ta cùng chờ đợi bây giờ chính là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp tổng thể và hơn nữa là sự tự giác, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. |
Tin liên quan
Nhanh và hiệu quả trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
08:03 | 02/08/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Thoái vốn tại 6 doanh nghiệp thu về gần 330 tỷ đồng trong 5 tháng 2024
09:03 | 04/06/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Sau 20 năm cổ phần hóa, Rạng Đông đạt doanh thu tăng hơn 20 lần
16:03 | 27/04/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Tăng tốc thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
09:26 | 29/09/2024 Tài chính
Duy trì thông suốt hoạt động Hải quan, Thuế, Kho bạc... để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3
20:17 | 28/09/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất sau bão lũ
12:48 | 28/09/2024 Tài chính
Bảo hiểm nhân thọ chi trả 13 tỷ đồng cho thiệt hại của bão số 3
12:36 | 28/09/2024 Tài chính
Sàn thương mại điện tử hoàn toàn có thể kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh trên sàn
08:28 | 28/09/2024 Thuế - Kho bạc
Thu ngân sách 3 quý năm 2024 đạt khoảng 85% dự toán
22:34 | 27/09/2024 Thuế - Kho bạc
Bộ Tài chính phản hồi thông tin về đề xuất đánh thuế bất động sản
21:52 | 27/09/2024 Thuế - Kho bạc
Doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ được sắp xếp hoàn thuế trước
19:59 | 27/09/2024 Tài chính
Bộ Tài chính tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền
18:10 | 27/09/2024 Tài chính
Đảm bảo an toàn nợ công khi "đổ vốn" cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
16:03 | 27/09/2024 Tài chính
Ngành Thuế giải đáp những vấn đề 'nóng' cho gần 300 doanh nghiệp phía Nam
14:00 | 27/09/2024 Tài chính
Kho bạc Nhà nước chung tay khắc phục hậu quả thiên tai
10:24 | 27/09/2024 Tài chính
Chuyên gia Canada: Giảm thuế GTGT là cần thiết nhưng không nhất thiết phải có trong mọi cuộc suy thoái
21:08 | 25/09/2024 Tài chính
bawns cas h5
Tin mới
Trái cây Việt Nam còn nhiều dư địa tiến sâu vào thị trường Trung Quốc
Cơ hội cho doanh nghiệp logistics khi Việt Nam nhận quyền tổ chức FWC 2025
Vướng mắc về nguyên liệu thủy sản sẽ được rà soát, tháo gỡ sau kỳ kiểm tra của EC
Thời cơ của công nghiệp bán dẫn
Hải quan cảng Bình Thuận: Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
(Infographic): 10 cục Hải quan có số thu ngân sách lớn
10:10 | 28/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phúc Hạnh
10:11 | 11/09/2024 Infographics