Nhận diện và thích ứng với Thỏa thuận Xanh EU
Các chính sách xanh của EU với ngành dệt may được đánh giá là phức tạp và thách thức hơn. Ảnh: H.Dịu |
Nhận diện nhiều khó khăn, thách thức
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Đòi hỏi nguồn lực để chuyển đổi xanh Bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ. Người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Vì thế, những doanh nghiệp thích ứng được sẽ tự khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng những thay đổi này là cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước. EuroCham sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh. Nhưng vấn đề này đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, triển khai công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy môi trường kinh doanh đổi mới sáng tạo. |
Thỏa thuận Xanh EU (EGD) là chương trình tổng thể và dài hạn nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.
Theo nghiên cứu của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tổng thể, các chính sách xanh của EU được thiết kế bao trùm nhiều lĩnh vực. Trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh đang hoặc dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F) nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đối với lĩnh vực sản xuất chế biến, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP) liệt kê 35 chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn trong 7 chuỗi sản phẩm mục tiêu (điện tử - công nghệ thông tin, pin và phương tiện vận tải, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng). Ngoài ra, còn có Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng…
Thực tế từ trước đến nay, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của EU vốn đã không phải dễ dàng, trong khi các tiêu chuẩn tại EGD còn khắt khe hơn, nên các chính sách xanh của EU sẽ làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”. Đồng thời đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng.
Với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm: sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất).
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tiến Đạt cho hay, thay vì là tiêu chuẩn tự nguyện như trước đây thì EU đã luật hóa để bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ. Ông Tuyên nhận định, những doanh nghiệp mới xuất khẩu sẽ gặp thách thức về chi phí khi phải đầu tư nhiều cho công nghệ, nguyên liệu, sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Dẫn ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, theo ông Nguyễn Văn Tuyên, là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản, để đáp ứng yêu cầu về cấm chặt phá rừng của EU, doanh nghiệp đã phải làm việc với các đối tác nhập khẩu và phải trả chi phí cao hơn để nhập khẩu những nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tương tự, ông Đỗ Tiến Trình, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Bút Sơn chia sẻ, doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí tín chỉ carbon từ 10-50 Euro/tấn sản phẩm, phải khai báo trung thực về phát thải CO2, nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp để giảm thải ra môi trường như đốt lò bằng rác để giảm đốt than, dùng bùn thải thay thế bớt cho đất sét... Cùng với đó là những thách thức liên quan đến công nghệ và cơ chế chính sách để đáp ứng các quy chuẩn.
Còn với các doanh nghiệp dệt may và nông sản, các chính sách xanh của EU được đánh giá là phức tạp và thách thức hơn đáng kể, ví dụ như đối với tiêu chuẩn, các biện pháp, quy định đều tác động đến nhiều khâu trong chuỗi sản xuất từ thiết kế mẫu mã đến nguyên phụ liệu, từ sản xuất, nuôi trồng đến vận chuyển, từ sử dụng đến sửa chữa, từ thải bỏ đến tái chế… mà không chỉ áp dụng với thành phẩm cuối cùng.
Theo các chuyên gia, danh sách chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong EGD đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.
Hóa giải nguy cơ, đón bắt cơ hội dài hạn
Hiện nay, kinh tế khó khăn đang làm giảm sản lượng xuất khẩu sang EU. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sang EU ước đạt hơn 32,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại.
Hiện hiểu biết của doanh nghiệp về EGD còn hạn chế nên Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhận định đây là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam để duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU nói riêng và nhiều thị trường khác nói chung bởi các thị trường này cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam kiến nghị, dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025, nên các cơ quan quản lý phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho các doanh nghiệp chủ động nắm bắt và triển khai kịp thời.
Nhưng GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam cho rằng, để có thể vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra, đạt mục tiêu ngắn và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó, tiến tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh là một yếu tố quan trọng.
Hơn nữa, nhìn nhận một cách khách quan thì việc đáp ứng những tiêu chuẩn xanh, chính sách xanh của EU cũng là cơ hội giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn. Không những thế, việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế; mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp tới các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự.
Chủ động chuyển đổi xanh đón cơ hội về thị trường Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của Thỏa thuận Xanh EU (EDG), nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang (ảnh), Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh thì không chỉ đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xanh của EU mà còn đón đầu cơ hội về thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững. Xin bà cho biết những tác động của Thỏa thuận Xanh EU (EGD) tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp? Thỏa thuận xanh EU gồm rất nhiều mục tiêu, chính sách của EU để thực hiện mục tiêu trung hòa khí hậu đến năm 2050, nên từ đầu năm 2020, EU đã triển khai một loạt chiến lược và chính sách, hành động, kế hoạch cũng như đưa ra nhiều quy định cụ thể hóa các mục tiêu chính sách xanh. Theo rà soát của chúng tôi, đến hiện tại, gần 60 hành động để thực thi các thỏa thuận xanh của EU sẽ tác động tới doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ở 3 góc độ chính. Thứ nhất, làm gia tăng các tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ hai, làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Cuối cùng, làm gia tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như về các yêu cầu liên quan đến tác động của quá trình sản xuất, sử dụng, thải bỏ sản phẩm đối với môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi xanh sẽ tác động trực tiếp tới tiến trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được đa dạng thị trường. Tất nhiên là nếu đi quá nhanh với mong muốn thực hiện các yêu cầu cao ngay lập tức thì phần đông doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa đáp ứng được, nên cần lộ trình cụ thể. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị những gì, thưa bà? Qua rà soát, chúng tôi thấy rằng EGD không phải một bộ tiêu chuẩn xanh cố định, cũng không phải là một kế hoạch mà là một lộ trình chi tiết đầy đủ và tổng thể cho việc chuyển đổi xanh của EU nên đó là tập hợp rất nhiều chính sách và đang diễn tiến rất nhanh chóng. Vì thế, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần phải tìm hiểu để biết về những diễn tiến, hành động của EU trong khuôn khổ EGD có ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Đối với một số chính sách xanh của EU đã có hiệu lực và được thực hiện thì các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những tiêu chuẩn này. Bởi những tiêu chuẩn hiện tại mà chúng ta còn khó đáp ứng, thì với những tiêu chuẩn nâng cao về tính xanh của EU sẽ càng là thách thức mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị để thích ứng. Mặt khác, việc thực hiện những tiêu chuẩn xanh của EU không chỉ là câu chuyện của việc đáp ứng các yêu cầu của EU mà quan trọng hơn là để đáp ứng xu hướng thị trường khi ý thức tiêu dùng xanh của khách hàng EU cũng như toàn cầu ngày càng nâng cao. Nên như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh không phải chỉ để thực hiện những tiêu chuẩn bắt buộc mà để đón đầu cơ hội về thị trường, đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng xanh cho các mục tiêu lâu dài, xuất khẩu bền vững. Theo bà, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ nào cho doanh nghiệp về vấn đề này? Hiện nay, đa phần chính sách xanh của EU mới chỉ đang ở dạng dự thảo, nên việc nhận diện với các doanh nghiệp còn khó khăn. Hơn nữa, với tính chất đan xen và thường xuyên, liên tục phát triển của các tiêu chuẩn xanh này thì việc thông tin và tìm hiểu của doanh nghiệp cũng là thử thách. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các cơ quan chức năng, thẩm quyền liên quan đến xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, các thương vụ của Việt Nam ở thị trường EU phải có thông tin kịp thời và cập nhật cho các doanh nghiệp về những diễn tiến, những chính sách xanh cụ thể có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng kỳ vọng, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tư vấn, hỗ trợ trong quá trình triển khai các tiêu chuẩn và thực hiện những tiêu chuẩn xanh của EU. Đặc biệt, đối với những tiêu chuẩn xanh lần đầu tiên được ban hành thì các cơ quan quản lý nhà nước cần làm việc, trao đổi và tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền của phía EU để chúng ta tìm được giải pháp tốt nhất, cũng như tạo thuận lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu của EU. Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn về tài chính trong thực hiện chuyển đổi xanh, xin bà cho biết vấn đề này có cơ chế khắc phục như thế nào? Trong khuôn khổ EGD có một mục tiêu chính sách liên quan đến tài chính. Chính phía EU cũng nhìn nhận, việc chuyển đổi xanh ngay cả với doanh nghiệp tại EU cũng thách thức nên phải có những chuẩn bị, những chương trình, những chính sách tài chính để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Có nghĩa là để có những biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính thì các doanh nghiệp phải nỗ lực để tuân thủ những quy định của EU. Vấn đề này với các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải chú ý hơn nữa. Khi nguồn lực chưa mạnh thì chuyển đổi xanh ở Việt Nam nên đi từng bước. Ngoài ra, EU cũng có những chương trình hợp tác để giúp chuyển đổi xanh là vấn đề toàn cầu nên chúng ta cần tìm hiểu và tận dụng những cơ hội này. Xin cảm ơn bà! Hương Dịu (thực hiện) |
Tin liên quan
TP Hồ Chí Minh: Chuyển đổi xanh là động lực, chuyển đổi số là đột phá
11:41 | 25/09/2024 Kinh tế
Khơi thông vốn xanh để tăng tốc tới Net Zero
19:30 | 19/09/2024 Kinh tế
“Mảnh ghép” quan trọng cho chuyển đổi xanh
16:36 | 17/09/2024 Kinh tế
Trái cây Việt Nam còn nhiều dư địa tiến sâu vào thị trường Trung Quốc
16:22 | 29/09/2024 Kinh tế
Vướng mắc về nguyên liệu thủy sản sẽ được rà soát, tháo gỡ sau kỳ kiểm tra của EC
16:10 | 29/09/2024 Kinh tế
Thời cơ của công nghiệp bán dẫn
14:37 | 29/09/2024 Kinh tế
Chủ thể OCOP hỗ trợ nhau cùng phát triển và hướng đến xuất khẩu
19:40 | 28/09/2024 Kinh tế
6 thị trường nhập khẩu chục tỷ đô - Trung Quốc áp đảo
12:28 | 28/09/2024 Xuất nhập khẩu
Ký kết biên bản ghi nhớ về việc cung cấp dừa tươi vào thị trường Trung Quốc
16:02 | 27/09/2024 Xuất nhập khẩu
Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng, hướng tới Net Zero
14:51 | 27/09/2024 Kinh tế
Điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM hiện nay là hạ tầng
14:00 | 27/09/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) Hơn 540 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/9
13:41 | 27/09/2024 Infographics
TP Hồ Chí Minh hướng đến phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao
13:19 | 27/09/2024 Kinh tế
Xuất nhập khẩu đạt bình quân hơn 63 tỷ USD/tháng
09:41 | 27/09/2024 Xuất nhập khẩu
Xuất khẩu năm 2024 nhắm mốc 400 tỷ USD
08:00 | 27/09/2024 Kinh tế
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
07:25 | 27/09/2024 Kinh tế
bawns cas h5
Tin mới
Trái cây Việt Nam còn nhiều dư địa tiến sâu vào thị trường Trung Quốc
Cơ hội cho doanh nghiệp logistics khi Việt Nam nhận quyền tổ chức FWC 2025
Vướng mắc về nguyên liệu thủy sản sẽ được rà soát, tháo gỡ sau kỳ kiểm tra của EC
Thời cơ của công nghiệp bán dẫn
Hải quan cảng Bình Thuận: Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
(Infographic): 10 cục Hải quan có số thu ngân sách lớn
10:10 | 28/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Phúc Hạnh
10:11 | 11/09/2024 Infographics