Đảm bảo an ninh thương mại toàn cầu cần hợp tác, trao đổi và xử lý thông tin trước khi hàng đến
Công chức Chi cục Hải quan Cái Mép - Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Kết quả, thực trạng...
Sự bùng nổ của giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay với khối lượng hàng hoá tăng mạnh, áp lực thông quan nhanh đòi hỏi các khâu xử lý thông quan của cơ quan Hải quan cần phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá.
Việc thu thập trao đổi các thông tin điện tử trước về hàng hoá vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) vừa giúp giải phóng các áp lực của quá trình kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hoá trong khâu thông quan của cơ quan Hải quan.
Tại Việt Nam, các yêu cầu về thuận lợi hóa thương mại quốc tế đối với cơ quan Hải quan được thể hiện cụ thể qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA. Trong các quy định của FTA đều có các điều khoản để đẩy nhanh quá trình di chuyển, giải phóng và thông quan hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa quá cảnh.
Để thực thi hiệu quả các điều khoản trong FTA, một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy thông quan nhanh chóng hoặc thông quan trước khi hàng đến, đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại quốc tế hiện nay là cơ quan Hải quan cần có hoạt động hợp tác, trao đổi và xử lý thông tin trước khi hàng đến với các bên liên quan.
Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao, thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan khoảng 3 giây. Cụ thể thời gian tiếp nhận, xử lý và thủ tục nhanh gọn, đơn giản giảm 61%; thời gian chuẩn bị hồ sơ cho DN giảm 51%; giao diện thân thiện, dễ hiểu đạt 50% và minh bạch trong thủ tục đạt 42%; chi phí chuẩn bị hồ sơ giảm 40%, nhân lực khi thực hiện giảm 35% và tăng hiệu quả quản lý cho DN tới 32%. Trong đó, 2019 là năm đầu tiên tổng kim ngạch XNK vượt mức 500 tỷ USD Hải quan Việt Nam đẩy mạnh thu thuế XNK bằng phương thức điện tử, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đã đạt 98,4%. Hiện nay, có 225 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan với số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đạt 72% và số lượng dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 28%. Trong đó, 214 thủ tục do cơ quan Hải quan thực hiện gồm: 132 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 61 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; 21 thủ tục hành chính được cung cấp thông tin trực tuyến. |
Điều đó đặt ra các biện pháp đẩy mạnh hiệu quả hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan về các vấn đề thuận lợi hóa thương mại và tuân thủ hải quan, các điều khoản về hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
Trong chuỗi quản lý giao dịch hàng hoá thương mại quốc tế hiện nay, việc trao đổi thông tin giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện thông qua sự trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan - cơ quan Chính phủ; cơ quan Hải quan với các cơ quan Hải quan các nước và các tổ chức quốc tế; cơ quan Hải quan và các đối tác thương mại bao gồm DN XNK, các hiệp hội, các DN ưu tiên (AEO), các hãng vận chuyển hàng không, các hãng tàu.
Bước đầu của việc xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan Việt Nam đã thực hiện kết nối các dữ liệu từ các bộ, ngành liên quan tại Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN.
Trong hoạt động trao đổi thông tin, việc phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chuyên ngành là thực sự cần thiết.
Mặc dù số lượng bộ, ngành kết nối thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đã tương đối đầy đủ, việc kết nối thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thời gian qua đang được đẩy mạnh nhưng vẫn còn hạn chế nhất định về phạm vi, mức độ chia sẻ thông tin cũng như cơ sở hành lang pháp lý.
Thực trạng bất cập này xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan về hạ tầng thông tin, phối hợp xử lý và sử dụng thông tin và nhất là cơ sở hành lang pháp lý về kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động XNK.
Ngoài ra, xử lý liên thông các thủ tục hành chính vẫn còn bị hạn chế trong việc nhận và chia sẻ thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia, dẫn đến chưa thực sự đồng bộ trong việc xử lý, chia sẻ thông tin trong quá trình luân chuyển của hàng hóa.
Đáng chú ý, việc hợp tác trao đổi thông tin trước khi hàng đến chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ một văn bản pháp lý nào, nên chưa ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên.
Nhằm giúp DN giảm thời gian thông quan, giảm thiểu rủi ro, Hải quan Việt Nam đã triển khai quy trình xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến XK, NK.
Thực tế vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được thông tin và quy trình áp dụng các quy định này. Tính đến nay, cả nước mới có gần 1.000 trường hợp xác định trước mã số HS (trong năm 2022 đến nửa đầu năm 2023 là 324 trường hợp); 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá XNK.
Dù công tác trao đổi, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan đã có những bước thay đổi lớn, kịp thời đáp ứng công tác quản lý hải quan hiện đại, tuy nhiên, công tác trao đổi thông tin trước khi hàng đến từ các bên liên quan vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có được thông tin đồng bộ, chính xác, kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý thông tin, phân tích, áp dụng quản lý rủi ro trọng điểm.
Tại Đề tài “Hợp tác, trao đổi và xử lý thông tin trước khi hàng đến đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế” Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng cục Hải quan năm 2022 (MS: TCHQ/ĐT/2022-14), nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, đối với hoạt động trao đổi thông tin trước khi hàng đến, việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan các nước hiện đang gặp khó khăn về các yêu cầu kỹ thuật khi số hóa chứng từ hải quan.
Trong thực tế, mặt bằng phát triển cũng như đặc thù ứng dụng công nghệ thông tin của các bên khác nhau, dẫn tới sự đồng nhất rất khó khăn. Để triển khai việc trao đổi thông tin trước khi hàng đến, các bên tham gia cần phải thống nhất về yêu cầu kỹ thuật.
Do đó, trong thời gian tới, để triển khai mở rộng việc trao đổi thông tin điện tử trước khi hàng đến cần thời gian đàm phán, hoàn thiện về cơ sở pháp lý, triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin có khả năng tích hợp và việc triển khai số hóa các chứng từ trên nền tảng tương thích với hệ thống công nghệ của mỗi bên, nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến nghị.
... Và những giải pháp
Để đảm bảo an ninh và kiểm soát hiệu quả dây chuyền cung ứng quốc tế, tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan Hải quan là sử dụng hữu hiệu các công cụ và thông tin liên quan đến lưu thông hàng hoá, người và phương tiện vận tải, một trong các phương án hiệu quả chính là hợp tác, trao đổi và xử lý thông tin trước khi hàng đến.
Việc nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu của Hải quan, hệ thống phải được kết nối để tạo điều kiện cho việc trao đổi sớm dữ liệu điện tử giữa các cơ quan Hải quan với nhau, ngay khi bắt đầu một chu trình vận chuyển hàng hoá quốc tế; các thoả thuận về phối hợp và công nhận lẫn nhau giữa các cơ quan Hải quan nước XNK và quá cảnh nhằm xoá bỏ những chồng chéo không cần thiết trong công tác kiểm soát dọc dây chuyền cung ứng; các chuẩn mực để xây dựng hệ thống công nhận lẫn nhau về AEO; và một bộ quy tắc điều chỉnh việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan Hải quan, bao gồm cả các quy tắc bảo vệ dữ liệu.
Cũng như các cơ quan Hải quan thế giới, Hải quan Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc xác định các lô hàng có nguy cơ rủi ro cao về vấn đề an ninh, thương mại điện tử, đặc biệt là ma túy và an toàn trong môi trường tại thời điểm trước khi hàng đến.
Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2030: “100% cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa XNK trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới”.
Để đảm bảo mục tiêu này, Hải quan Việt Nam xác định xây dựng và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp lý về thông tin trước khi hàng đến và chia sẻ thông tin trong nước và quốc tế.
Trong đó, theo nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, cần xây dựng quy trình xử lý trước khi hàng đến để đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại cho hàng hoá, đẩy nhanh quá trình thông quan và tăng hiệu quả kiểm soát rủi ro của cơ quan Hải quan đối với hàng hoá vận chuyển qua hàng không, trong đó yêu cầu các công ty khai thác bưu chính, các hãng chuyển phát nhanh được ủy quyền nộp trước một tờ khai NK điện tử, trước khi máy bay đến.
Dữ liệu được khai báo ở định dạng hợp nhất và được cơ quan Hải quan sử dụng để đánh giá rủi ro và thông quan. Nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất mẫu một Quy trình xử lý thông tin trước khi hàng đến; áp dụng các biện pháp tăng cường áp dụng quản lý rủi ro để tăng hiệu quả thu thập, xử lý thông tin trước khi hàng đến; áp dụng các biện pháp quản lý trước để quản lý các nhà điều hành kinh tế…
Hải quan Việt Nam đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối xấp xỉ 7,6 triệu bộ hồ sơ của hơn 72,8 nghìn DN qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, mở rộng, duy trì kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN; tiến hành kiểm thử C/O form D trên môi trường thử nghiệm với các nước khối ASEAN; chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. |
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, Chính phủ cần chú trọng vào giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý; tổ chức thực hiện việc trao đổi, thu thập và xử lý thông tin trước khi hàng đến; công nghệ thông tin; áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro thông qua việc phân tích thông tin trước khi hàng đến; nguồn lực; tăng cường hợp tác và phối hợp.
Trong đó, Chính phủ cần thống nhất về nguyên tắc kết nối và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành liên quan đến hoạt động XNK, XNC theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Chính phủ cần chỉ đạo sớm ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực XNK, XNC, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hợp tác chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành khác.
Đi đôi với thách thức cũng mở ra cơ hội không ít cho cơ quan Hải quan đó là sự hình thành của mạng lưới hải quan toàn cầu giúp cho công tác quản lý biên giới ngày càng tốt hơn, nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác, trao đổi và xử lý thông tin trước khi hàng đến đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. Từ đó, giúp cơ quan Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ vừa đảm bảo an ninh và kiểm soát dây chuyền cung ứng quốc tế, vừa tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại hợp pháp.
Tin liên quan
WCO và ESA hợp tác ứng phó khủng hoảng và an ninh thông qua công nghệ không gian
15:50 | 04/10/2024 Hải quan thế giới
Doanh nghiệp "bắt tay" cùng phát triển công nghệ cao
13:12 | 03/10/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
TPHCM liên kết với 9 địa phương đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa
16:39 | 02/10/2024 Kinh tế
Áp dụng thuế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Khó vì vướng quy định chuyên ngành
13:20 | 11/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Tiếp tục tạm ngừng chuyển khẩu, tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ
08:18 | 10/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Rào cản thể chế sẽ tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh
17:00 | 09/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Danh mục phế liệu bị tạm ngừng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo thông tư mới
15:46 | 09/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
5 nhóm tiêu chí để lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công
07:39 | 09/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Thủ tục hoàn thuế nhập khẩu: Yêu cầu kê khai chi tiết nguyên liệu sản xuất xuất khẩu
14:54 | 08/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Giảm 30% tiền thuê đất để thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh
14:52 | 08/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Bất cập trong xác định hàng hoá là chất thải, phế liệu
14:00 | 08/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Hướng xử lý đối với doanh nghiệp chế xuất “quên” mở tờ khai nhập khẩu đối ứng
09:04 | 07/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Sửa đổi Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027
14:35 | 06/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
Kiểm tra, rà soát phân loại mặt hàng đồng xuất khẩu
16:31 | 04/10/2024 Chính sách và Cuộc sống
bawns cas h5
Tin mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đại biểu doanh nhân tiêu biểu
Thời hạn thực hiện kiểm kê tài sản công đến hết ngày 31/3/2025
Huy động sức mạnh từ kiều hối làm “trợ lực” phát triển kinh tế
Đảm bảo chất lượng cá tra xuất khẩu cần quan tâm từ con giống
Chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà ở đang ngày càng rõ rệt
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 3 tháng 9/2024
10:51 | 03/10/2024 Hải quan
(Infographic): 10 cục Hải quan có số thu ngân sách lớn
10:10 | 28/09/2024 Infographics
(LONGFORM) Chung tay đưa hàng hoá xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ bay xa
16:49 | 19/09/2024 Megastory/Longform
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 3 tháng 9/2024 (từ ngày 9/9 đến 15/9/2024)
08:54 | 16/09/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Hơn 130 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
09:19 | 14/09/2024 Infographics